Eximbank và lỗ hổng nhân viên hay quy trình quản lý kém?
Hai nhân viên thuộc Eximbank chi nhánh TP.HCM đã bị bắt vì liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng.
Lãnh đạo Eximbank: Đây là cái giá phải trả vì nhân viên sơ suất
Sáng ngày 26/3/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám xét ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank), chi nhánh TP.HCM nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.
Sau khi đọc lệnh và thực hiện khám xét, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ công an đã dẫn giải hai nhân viên phòng khách hàng là: Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi vì cho rằng có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng.
Liên quan đến số tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM vào đầu tháng 2/2018.
Trước đó, từ cuối tháng 02/ 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Chu Thị Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã “bốc hơi”.
Toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.
Theo quy trình giao dịch ngân hàng nếu diễn ra tại nhà của khách hàng thường từ 2-3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Thậm chí nhân viên ngân hàng có liên hệ với bà Bình thì bà Bình đã trả lời bận.
Với kẽ hở này, kết luận của cơ quan điều tra cho biết ông Lê Nguyễn Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Chu Thị Bình, kéo dài đến cuối năm 2016 thì sự việc vỡ lở. Ông Hưng hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Vụ việc của bà Chu Thị Bình với Eximbank sau nhiều lần hòa giải bất thành, bất ngờ vào sáng ngày 26/3/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện khám xét Eximbank chi nhánh TP.HCM và bắt 02 nhân viên được cho là liên quan đến vụ án của bà Chu Thị Bình.
Trả lời báo chí, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT của Eximbank, cho biết theo quyết định khởi tố, các nhân viên này đã thực hiện không đúng các quy định của Eximbank về trình tự, thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ cho khách hàng rút tiền gây thiệt hại cho Eximbank.
Theo ông Tùng, các nhân viên này đã có sai sót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt của khách hàng là bà Chu Thị Bình và bà Nguyễn Thị Hồng Lê.
Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra đã xác nhận chữ ký ủy quyền của bà Chu Thị Bình – bên ủy quyền là có thật, còn chữ ký của bên được ủy quyền – bà Nguyễn Thị Hồng Lê là giả (cô ruột của vợ bị can Lê Nguyễn Hưng), do Hưng ký chứ không phải bà Lê.
Trên thực tế bà Chu Thị Bình cũng tự mình ký lệnh chuyển tiền vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê vào ngày 28/7/2014.
“Theo thông tin chúng tôi được biết các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có”, ông Tùng cho hay.
Khách hàng đòi tiền chứ không xin ngân hàng từ thiện
Trong một vụ án khác cũng liên quan đến Eximbank với 06 cá nhân trong vụ mất 50 tỷ đồng tại phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An).
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An (tháng 8/2017), từ ngày 01/3/2011 đến ngày 07/4/2016, Nguyễn Thị Lam – nhân viên ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) đã dùng chiêu lãi suất cao để huy động vốn ngân hàng của nhiều cá nhân.
Trong thời gian từ năm 2012 – tháng 8/2016, Nguyễn Thị Lam đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, cũng như một số chứng từ Lam giả mạo chữ ký khách hàng, lừa dối nhân viên ngân hàng để rút khỏi hệ thống hơn 50 tỷ đồng trong số tiết kiệm của 6 khách hàng gửi tại Eximbank.
Căn cứ kết luận điều tra, nhân viên kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và nhân viên phòng giao dịch khách hàng Eximbank chi nhánh Vinh đã có lỗi cố ý làm trái những quy định rút và gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank. Lam đã rút tiền tiết kiệm trong hệ thống Eximbank của 06 khách hàng mà không có sổ.
Do đó, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết đề nghị của 06 khách hàng (trả tiền gốc và lãi), buộc Nguyễn Thị Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Eximbank.
Vụ án được khởi tố vào năm 2016, đến năm 2017 cơ quan Cảnh sát điều tra có kết luận nhưng đến nay, phía Eximbank vẫn chưa có động thái trả lại số tiền này cho 06 khách hàng.
Luật sư đại diện của 06 khách hàng đã làm việc với ban lãnh đạo Eximbank và yêu cầu phía ngân hàng trả lại tiền gốc cũng như lãi cho 06 khách hàng này.
Dự kiến phiên tòa xét xử vụ án mất tiền tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương sẽ được xét xử vào tháng 4/2018 tại Nghệ An”.
Ông Nguyễn Tiến Nam, một trong 06 khách hàng đã bị Nguyễn Thị Lam lợi dụng rút ra gần 28 tỷ đồng và được Eximbank đề nghị tạm ứng 1,55 tỷ đồng.
Ông Nam cho rằng: “Đó không phải là thiện chí mà là sự xúc phạm của Eximbank đối với tôi. Bởi vì tiền tôi gửi thì tôi có quyền yêu cầu rút gốc và lãi, Eximbank phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi. Ở đây tôi không xin và không cần Eximbank làm từ thiện”.
Vậy quy trình giao dịch và quản lý của Eximbank như thế nào mà bị nhân viên qua mặt dễ dàng trong thời gian dài 3-4 năm?
Theo ông Nguyễn Tiến Nam việc Eximbank ban hành quy định phục vụ khách hàng VIP dẫn đến hậu quả nhiều khách hàng VIP từ Bắc đến Nam bị cán bộ Eximbank lợi dụng kẽ hở đó để chiếm đoạt tài sản của Eximbank. Đến bây giờ Eximbank không nhận thức được việc làm và hậu quả sai trái đó, còn từ chối trả tiền cho khách hàng gửi tiết kiệm.
Theo Lan Anh
BizLive