Được – mất khi chạy theo làn sóng tiền mã hoá
Với crypto, nhiều bạn trẻ Việt được chứng kiến tài khoản nhân 5 và thu tỷ đồng chỉ trong vài tháng nhưng cũng không ít người đã mất tất cả.
Việt Nam hiện nằm trong top 15 nước có lượng người tham gia thị trường tiền mã hoá (crypto) đông đảo nhất thế giới, theo bà Lynn Hoàng – Giám đốc sàn giao dịch Binance tại Việt Nam. Phần lớn người tham gia hiện nay tuổi đời không quá 35.
Nhiều bạn trẻ vừa ra trường đã có nhà, có xe nhờ đầu tư tiền mã hoá. Có những người thậm chí xem việc nghiên cứu và đầu tư crypto trở thành nghề toàn thời gian để kiếm tiền.
Giới trong ngành cũng không thể lường trước sự bứt phá của crypto trong năm nay nhờ cú sốc Covid-19, những người bỏ tiền vào kênh này dù tin hay không vào tương lai dài hạn của Bitcoin, điểm chung họ đều thấy đây là game tài chính kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Minh Quân, môi giới bất động sản tại Hà Nội, là một trong số đó. Quân bắt đầu làm quen với cryptocurrency vào nửa đầu năm nay, qua lời giới thiệu của một người bạn.
Không muốn bỏ lỡ cơn sốt của các dự án NFT và Defi, Quân bỏ nghìn USD mua token của một công ty, dựa trên kinh nghiệm về nhân tướng học.
“Thú thật tôi không nắm rõ công nghệ cốt lõi đằng sau mỗi dự án. Tôi đầu tư vì thấy đội ngũ founder có nhân tướng học tốt, lĩnh vực họ làm liên quan đến NFT và Defi đang đúng trend”, Quân nói.
Thời gian đầu, Quân khá lo lắng vì không có gì đảm bảo khi bỏ tiền vào, nhưng may mắn dự án sau đó kêu gọi được vốn từ cộng đồng quốc tế. Giá mỗi token lên sàn tăng gấp 4, gấp 5 lần lúc Quân mua cách đó chưa đến một tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con, vụ này gối vụ kia, Quân lãi tiền tỷ chỉ sau vài tháng nhờ tham gia các dự án IDO.
IDO, ICO hay IEO là những thuật ngữ khác nhau nhưng đều là các hình thức doanh nghiệp huy động vốn từ cộng đồng thông qua chào bán token lần đầu tiên. Nhà đầu tư mua token của dự án với mức giá rẻ và chờ cơ hội để chốt lời khi token được mua bán công khai trên sàn giao dịch.
Bỏ tiền vào các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng có thể nhân đôi, nhân ba, nhân 10, thậm chí gấp trăm lần số vốn bỏ ra.
Bỏ tiền vào các dự án IDO mới chỉ là một trong nhiều cách kiếm tiền từ thị trường crypto. Hình thức phổ biến khác là giao dịch coin/token trên các sàn giao dịch tập trung hoặc phi tập trung.
Hạnh – một nhân viên tín dụng ngân hàng vài tháng trước đã chuyển bớt tiền từ chứng khoán để giao dịch crypto trên thị trường futures (hợp đồng tương lai).
Tham gia thị trường futures đồng nghĩa với việc đặt cược vào dự báo của bạn với diễn biến thị trường trong tương lai. Dự đoán đúng, khoản tiền có thể nhân lên hằng trăm lần; dự đoán sai, tài khoản mất sạch.
Riêng với Hạnh, đó là những trải nghiệm mà cô không muốn nhắc lại. Mất tiền trong lần “đánh” futures đầu tiên, Hạnh bỏ tiền thêm hai lần sau đó với mong muốn phục thù nhưng rốt cục vẫn “cháy tài khoản”.
Chuyên gia trong ngành cũng nhận định, thị trường tương lai không phải là sân chơi dành cho tay mơ. Chỉ có số ít nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm và “cảm” được thị trường mới mong kiếm được tiền từ kênh này.
Minh Anh – một nhà đầu tư 9x lâu năm với tiền mã hóa từ chối tham gia vào thị trường futures bởi rủi ro quá lớn. “Rất khó đoán trúng thị trường, đặc biệt khi biến động giá Bitcoin chịu sự chi phối của các ‘cá mập’ lắm tiền. Nhà cái có thể vẽ chart và họ cũng là người chắc thắng, còn với phần đông nhà đầu tư nhỏ, tôi thấy đó giống như một canh bạc”, Minh Anh chia sẻ.
Vì thế, Minh Anh chọn cách an toàn hơn là giao dịch đồng coin hay token của các dự án được đánh giá là đội ngũ tốt, làm ăn thực chất. Cũng từng đầu tư cổ phiếu, anh mang kinh nghiệm đó để áp dụng khi trading trên thị trường crypto.
“Tôi chỉ phân bổ 25% tài sản vào danh mục crypto. Đặt lệnh mua bán xong, tôi tắt bảng để không bị cảm xúc chi phối và cuốn theo thị trường. Thị trường rớt, tôi bỏ tiền gom thêm để trung bình giá. Cũng có lúc tài khoản âm hơn 30% nhưng tôi tin sớm muộn gì giá cũng lên”, Minh Anh kể. Tới nay, Minh Anh có khoản lãi hàng trăm triệu tính riêng trong năm nay.
Cậu tin rằng, đầu tư crypto cũng như việc mua cổ phiếu, ngoài lựa chọn được dự án tốt, việc quản trị rủi ro cùng với sự vô cảm và kiên nhẫn mới giúp mình không mắc lỗi như số đông.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt màu hồng của bức tranh. Không ít người thua lỗ và thậm chí mất cả cuộc đời chỉ vì mong làm giàu nhanh chóng từ crypto.
Tiệp (9x, Hà Tĩnh) – nhân viên tín dụng của một nhà băng lớn, tham gia thị trường crypto từ gần cuối 2017, ngay trước khi Bitcoin bước vào “thời kỳ mùa đông” – giá giảm sốc và không thể phục hồi trong thời gian dài.
Giữa cơn sóng hưng phấn của thị trường, Tiệp “mượn tạm” tiền của khách hàng với mong muốn thu về khoản lãi lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thị trường không dễ đoán như anh ước tính, Bitcoin bước vào chuỗi ngày lao dốc không phanh.
Anh lâm vào đường cùng khi không có khả năng hoàn trả khoản tiền khổng lồ cho khách hàng như dự tính. Bế tắc, Tiệp kết liễu đời mình khi chưa đến 30 tuổi.
Cũng bước ra từ thị trường crypto từ giai đoạn hưng phấn năm 2017, Lê Trọng, cũng một nhà đầu tư 9x, mất trắng khoản tiền tiết kiệm mà hai vợ chồng tích góp nhưng “vẫn thấy mình may mắn hơn khi đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng”.
Thua lỗ vì đầu tư coin, hai vợ chồng Trọng có những ngày không dám ra khỏi nhà và bắt máy vì những cuộc điện thoại đòi nợ tới tấp. Vợ Trọng sau sinh con nhỏ bước vào thời kỳ trầm cảm trước áp lực nợ nần. Phải mất mấy năm sau, hai vợ chồng mới xoá sạch được nợ và làm ăn khấm khá lên. Trọng tự nhủ “không bao giờ động tới crypto lần nào nữa”.
Mất mát của những người trải qua “mùa đông” Bitcoin vào năm trước cũng đã để lại bài học cho những người đến sau.
Không bao giờ vay mượn hoặc phân bổ phần lớn tài sản vào kênh đầu tư biến động mạnh và rủi ro lớn như Bitcoin là nguyên tắc khi tham gia thị trường mà Thương (Hà Nội) đã nằm lòng. Tháng 7 năm nay, cô “bắt đáy” lúc Bitcoin mất giá một nửa từ mốc 60.000 USD.
Thương bỏ 20% khoản tiền tích luỹ mua Bitcoin, Ethereum và NEAR khi thị trường hoảng loạn. Cô nhanh chóng chốt mức lợi nhuận hơn 35% từ khoản 30 triệu đồng “bắt đáy” thành công chỉ trong vài tuần sau đó.
Thấy bạn bè khoe lãi trăm triệu, Thương quyết rót thêm tiền. Ngày 4/12, khi Bitcoin tụt về 54.000 USD, Thương hồ hởi rút phần lớn tiết kiệm để “bắt đáy” nhưng không ngờ đó lại là một cú “bắt dao rơi”. Chỉ vài tiếng sau đó, Bitcoin tiếp tục mất giá thêm, có lúc thậm chí về 43.000 USD. Thương cũng không còn tiền mặt để thực hiện chiến lược trung bình giá. Sau phiên 4/12, tài khoản của cô bốc hơi hơn 25%.
Thương không cắt lỗ nhưng hối hận vì lòng tham đã khiến cô vi phạm nguyên tắc đầu tư đặt ra từ đầu. “Những tưởng quản lý lòng tham của mình là dễ, nhưng thực không dễ chút nào”, Thương tâm sự.
Cho tới nay, kể cả những người trong ngành Blockchain cũng chưa thể khẳng định tương lai của tiền mã hóa hay sự thành công của các dự án NFT hay Defi… Tiền mã hóa đã tạo nên cơ hội và bài học cho một thế hệ nhà đầu tư trẻ tuổi với những ADNs đặc trưng: cởi mở với xu hướng mới, chịu được rủi ro lớn và ưa thích kiếm tiền nhanh chóng.
“Tôi thấy đó là game tài chính, cốt lõi vận hành dựa vào Blockchain. Phần lớn dự án hiện nay không có ứng dụng trong thực tế, nhưng với tôi, đây là kênh vẫn kiếm được tiền. Người vào sớm ở đầu sóng sẽ có cơ hội kiếm tiền tốt hơn”, Minh Anh, người vẫn hoài nghi về tính ứng dụng thực tế của các dự án mà mình rót tiền, nói.
Bên cạnh những đội ngũ “việc thật, người thật”, nhiều dự án hiện nay đơn thuần là bánh vẽ. Việc tạo ra một token rất đơn giản và chỉ cần kêu gọi được một cộng đồng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) là founders có thể dễ dàng trở thành triệu phú khi chẳng cần bỏ nhiều sức vào phát triển sản phẩm.
Nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tìm kiếm cơ hội sinh lời từ cryptocurrency, bà Lynn Hoang chỉ ra hai nguyên tắc căn bản cho nhà đầu tư: biết cách bảo toàn vốn và nói không với các khoản nợ. Với những người không chuyên, tốt nhất nên chọn những dự án có tên tuổi và vốn hóa lớn – tương tự những “Blue chip” trên thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư có kinh nghiệm thường luôn tuân thủ các quy định tự đề ra rất nghiêm ngặt, như việc thoát khỏi thị trường ở một mức giá được đặt ra ngay từ khi mua cổ phiếu. Tùy theo sở thích đầu tư của mỗi cá nhân sẽ có những lựa chọn phù hợp. Có một số người sẽ thích kiểu Warren Buffett theo trường phái nắm giữ dài hạn. Số khác lại thích kiểu George Soros, tức trading liên tục.
Dù chọn theo cách nào, bà Lynn Hoàng cũng nhấn mạnh việc kiểm soát lòng tham và phân bổ tài sản hợp lý trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Do chưa có bất kỳ quy định chính thức nào, tiền mã hoá là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền mã hoá và tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về “tài sản ảo, tiền ảo”.
Theo VNEXPRESS