Dược Hậu Giang lãi lớn từ thực phẩm chức năng, không khó hiểu khi Vinamilk, VinGroup, FPT Retail cũng muốn gia nhập sân chơi này
Sức hấp dẫn của thực phẩm chức năng còn khiến các “đại gia” trong những lĩnh vực không liên quan tới dược phẩm như VinGroup, Vinamilk, FPT Retail nhập cuộc.
Dược Hậu Giang (DHG) là công ty dẫn đầu trong số các công ty dược Việt Nam với thị phần 14% (số liệu 2016) với hệ thống phân phối rộng khắp, bao phủ hầu hết cửa hàng bán lẻ và bệnh viện trên toàn quốc. Dược Hậu Giang hiện cũng là nhà sản xuất dược nội địa duy nhất có mặt trong 5 công ty dược hàng đầu có hoạt động tại Việt Nam, gồm Sanofi, GSK, Astrazeneca, DHG và Novartis.
Những năm qua, KQKD Dược Hậu Giang đạt được rất ấn tượng với doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Riêng năm 2017 vừa qua, doanh thu thuần Dược Hậu Giang đạt 4.063 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi thành lập tới nay.
Cơ cấu sản phẩm Dược Hậu Giang nhìn chung khá đa dạng nhưng tập trung chủ yếu ở 2 nhóm kháng sinh giảm đau và hạ sốt. Ngoài ra, thực phẩm chức năng dù không phải mảng kinh doanh chủ lực nhưng cũng mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Dược Hậu Giang.
Trong năm 2017 vừa qua, nhóm thực phẩm chức năng đã đem về doanh thu 379 tỷ đồng cho Dược Hậu Giang, chiếm 9% tổng doanh thu công ty. Mặc dù sụt giảm nhẹ đôi chút so với năm trước đó nhưng doanh thu thực phẩm chức năng của Dược Hậu Giang đạt được trong năm vừa qua vẫn ở mức khá cao và trung bình mỗi ngày, công ty thu về hơn 1 tỷ đồng từ bán thực phẩm chức năng.
Theo số liệu tính toán từ năm 2012 tới nay, biên lãi gộp mảng thực phẩm chức năng của Dược Hậu Giang thường đạt quanh ngưỡng 50%. Điều này có nghĩa Dược Hậu Giang bán sản phẩm giá 10 đồng thì lãi gộp (doanh thu – giá vốn, không bao gồm các chi phí phát sinh) từ kinh doanh thực phẩm chức năng vào khoảng 5 đồng.
Thực phẩm chức năng là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận khá cao
VinGroup, Vinamilk, FPT Retail cũng tham gia “sân chơi” Thực phẩm chức năng
Có thể nói, thực phẩm chức năng là mảng kinh doanh khá hấp dẫn khi người Việt ngày càng ưa chuộng. Hàng loạt các doanh nghiệp quốc tế như Amway, Tiens Vietnam, Herbalife, Unicity Vietnam, Synergy, Aloe Trading… đang ngày càng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, thậm chí còn liên tục mở nhà máy như trường hợp Amway. Các doanh nghiệp trong nước như Dược Hậu Giang, Traphaco, Sao Thái Dương… cũng không bỏ qua mảnh đất “màu mỡ” này.
Không những vậy, sức hấp dẫn của thực phẩm chức năng còn khiến các “đại gia” trong những lĩnh vực không liên quan tới dược phẩm nhập cuộc. Có thể kể tới như FPT Retail với chuỗi nhà thuốc Long Châu bán dược phẩm, thực phẩm chức năng. Cuối tháng 3 vừa qua, Vinamilk cũng đã bắt tay với Dược Hậu Giang nghiên cứu và phát triển (R&D), Marketing, phân phối các dòng sản phẩm, thực phẩm chức năng.
Mới đây nhất, VinGroup cũng chính thức công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Bên cạnh nghiên cứu, phát triển các bài thuốc có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam, Vaccine, Thiết bị y tế, Vinfa cũng sẽ tập trung vào ác mảng sản xuất Thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Có thể nói, việc Dược Hậu Giang đẩy mạnh tham gia vào lĩnh vực thực phẩm chức năng cũng là bước đi hợp lý trong bối cảnh nhu cầu dòng sản phẩm này trong xã hội ngày càng gia tăng, ngoài ra đây cũng là mảng kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận khá lớn.
Theo chiến lược và kế hoạch phát triển sản phẩm đến năm 2020, nhóm thực phẩm và dược mỹ phẩm được đặt chỉ tiêu doanh thu trên 800 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu thuần công ty.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.
Theo Trí thức trẻ