Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5 đạt 6,7 triệu tỷ, tăng 6,16% so với đầu năm
Lãnh đạo NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chia sẻ tại buổi họp báo về công tác ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018, Vụ trưởng Vụ CSTT NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt. Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung – dài hạn khoảng 9-11%/năm; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.
NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong xây dựng và triển khai sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đặc biệt NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức cao; niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố. Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.
NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính,…), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm; đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017, đạt khoảng 6,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay nông lâm tăng 6,8%, cho vay Công nghiệp – xây dựng tăng 6,83%, cho vay dịch vụ thương mại tăng 5,7%,…
Đối với công tác cơ cấu lại các TCTD, NHNN cho biết, đến nay, về cơ bản các NHTM đã xây dựng xong phương án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trình NHNN phê duyệt. Trong đó các phương án tập trung chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác. Về công tác xử lý nợ xấu. Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Trong lĩnh vực thanh toán, đến cuối tháng 3/2018, trên toàn quốc có 17.887 ATM và 278.768 POS đang hoạt động, chưa kể một số lượng lớn các giao dịch chấp nhận thẻ trực tuyến. Các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ, nhất là các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng CNTT.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]