Du lịch không rác thải nhựa
TTO – Ngày 9-9, tại hội thảo “Du lịch không rác thải nhựa”, cộng đồng các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch tới Hội An, Mỹ Sơn đã ký cam kết thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch du lịch không rác thải nhựa.
Hội thảo này do UBND tỉnh Quảng Nam cùng UNESCO tổ chức, hưởng ứng 20 năm UNESCO vinh danh phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới.
120 tấn rác nhựa thải ra mỗi ngày
Đó là con số được ông Phan Xuân Thanh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam – nêu ra tại hội thảo trước 200 nhà khoa học, doanh nghiệp, các chuyên gia và đại diện UBND tỉnh Quảng Nam. Ông Thanh cho biết toàn tỉnh Quảng Nam có 6,5 triệu lượt khách mỗi năm. Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh thải ra 660 tấn rác, trong đó Hội An là 92 tấn. Đáng lo ngại nhất, trong số rác thải ra mỗi ngày, lượng rác thải nhựa chiếm tới 18-20%.
Tuy nhiên, điều đáng mừng hiện nay là nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành và cả du khách tại các địa điểm du lịch lớn đã bắt đầu ý thức đến hoạt động du lịch thân thiện, bền vững với môi trường. Nhiều nhà hàng đến nay không còn dùng ống hút nhựa. Riêng ở Hội An đã gần như không dùng chai nhựa trong các cơ quan hành chính.
Nhìn chung, xu hướng dùng các vật dụng thân thiện với môi trường ngày càng được khuyến khích, áp dụng tại các công sở mạnh mẽ. Điều này có thể giúp giảm lượng rác thải nhựa trong tương lai tại Quảng Nam.
Chia sẻ thêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng Quảng Nam rất tự hào vì có hai di sản thế giới được UNESCO công nhận và một khu dự trữ sinh quyển thế giới là Cù Lao Chàm. Nhưng tất cả những giá trị này nếu không biết cách gìn giữ, đặc biệt là vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường, thì trong tương lai người dân sẽ phải gánh chịu thiệt thòi lớn nhất.
Bảo tồn để phát triển
Đề ra những giải pháp bảo vệ môi trường du lịch, ông Michael Croft – trưởng đại diện UNESCO tại VN – cho rằng cần có một chiến lược hành động cụ thể đối với hoạt động du lịch bền vững, để từ đó đưa ra thông điệp mạnh mẽ và bắt buộc phải làm chứ không thể kêu gọi rồi không hành động.
Cùng chung ý kiến, tại buổi hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng du lịch hiện nay không còn là trải nghiệm, thụ hưởng nữa mà ngay cả khách hàng cũng đã có tư duy khác. Họ xem sự văn minh, đối xử thân thiện với môi trường của từng khách sạn, từng hãng lữ hành, từng khu du lịch, khu di sản là một tiêu chí để đánh giá sức hấp dẫn, chọn lựa.
Bà Chi Nguyễn – quản lý khách hàng bền vững Tổ chức Travelife Amsterdam – chia sẻ thêm: một số nước trên thế giới, chuẩn du lịch bền vững đã được đưa vào tiêu chí. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia các hiệp hội du lịch thì phải đưa ra chương trình hành động cụ thể và cam kết thực hiện kinh doanh bền vững.
Nhấn mạnh hơn, ông Phan Xuân Thanh cho rằng việc thực hành du lịch bền vững là một vấn đề khó, phạm vi rộng nhưng không phải là không làm được. Nếu doanh nghiệp, cơ sở du lịch không tuân thủ theo xu hướng này thì sẽ tự hủy hoại chính mình. “Trong xu hướng hiện nay, việc bảo tồn, sống “xanh” đối với môi trường là cách phát triển bền vững nhất, bảo tồn để phát triển chứ không phải phát triển để phục vụ bảo tồn” – ông Thanh nói.
Tôi lựa chọn “trách nhiệm”!
Ông Lê Trí Thanh (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nói: “Tôi chọn từ “trách nhiệm” để hành động. Đó là trách nhiệm với bản thân, với môi trường, với xã hội. Việc chúng ta nói hạn chế rác thải, hạn chế ô nhiễm và đi theo phát triển bền vững là đúng, nhưng đừng mong có kết quả tức thời. Thế nhưng, chúng ta phải bắt đầu việc đó ngay từ hôm nay. Đây cũng là sự đầu tư tốt nhất cho tương lai”.
Thái Bá Dũng/TTO