Dự án PVTex và "liều thuốc bổ" từ tập đoàn An Phát
Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) không chỉ bày tỏ niềm tin nhà máy sẽ thoát lỗ mà còn nói đến tầm nhìn xa hơn, là nâng cao, phát triển thương hiệu xơ sợi.
Sáng 24/7, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY giữa PVTex (công ty con thuộc PVN) với CTCP Xơ sợi tổng hợp An Sơn, đơn vị được ủy quyền bởi CTCP An Phát Holdings (thành viên của Tập đoàn An Phát).
Theo bản thỏa thuận, các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất dây chuyền DTY đang vận hành thành từ 3 lên 25. Như vậy, sản lượng xơ sợi đạt được một tháng ước đạt 1.800 tấn/tháng.
“Hợp đồng gia công sợi DTY từ nguyên liệu POY đánh dấu mốc quan trọng trong tiền trình đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa công ty PVTex với liên doanh đối tác An Phát Holdings và các đối tác chiến lược nước ngoài từ Singapore, chuyên gia cao cấp đến từ Ấn Độ”, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Tập đoàn An Phát nói.
Trước đó, ngày 27/4, PVTex đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất với liên danh An Phát và các đối tác nước ngoài nêu trên.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN đánh giá cao nỗ lực của PVTex trong việc tái sản xuất lại nhà máy, đặc biệt là sự sát cánh, hợp tác của An Phát.
“PVTex từng chết lâm sàng”, ông Thanh nói một cách ví von và cho biết, giờ đây “trái tim đã đập lại, đã có hi vọng”. Dù vậy, nhà máy vẫn chưa thực sự “khỏi bệnh”. Để làm được điều đó, ông Thanh bày tỏ hi vọng vào sự hợp tác, chia sẻ bền chặt giữa các bên trong thời gian tới.
PVTex được vực dậy, thậm chí phát triển là có cơ sở, theo Chủ tịch PVN. Bởi ông có niềm tin vào sự hợp tác giữa An Phát và PVTex, như là sự kiện ký kết ngày hôm nay.
Nhấn mạnh sự tự thân vận động của nhà máy, cùng với sự trợ giúp của cổ đông, bộ ngành, đặc biệt, là “liều thuốc bổ” đến từ An Phát, ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT PVTex khẳng định nhà máy sẽ đứng dậy được và có những bước đi chắc chắn.
Bên cạnh hợp đồng được ký kết hôm nay, ông Ngọc cho biết hai bên còn mục tiêu ký tiếp hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh của cả nhà máy.
“Đây là dấu mốc để đi đến những mục tiêu xa hơn. Hai bên sẽ cùng hợp tác đưa nhà máy đi vào hoạt động an toàn, ổn định, nâng thương hiệu xơ sợi polyester của Việt Nam”, ông Ngọc nói và bày tỏ.
Cũng theo ông Ngọc, thị trường xơ sợi đang diễn biến tốt, ổn định sau giai đoạn khủng hoảng 2014 – 2015. Biên lợi nhuận ngành vào khoảng 15 – 20%. Bên cạnh đó, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc cũng không tác động nhiều đến thị trường này.
“Chiến tranh thương mại chỉ tập trung vào một số dòng sản phẩm khác chứ không có xơ sợi. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy ô nhiễm, lạc hậu nên xơ sợi trên thị trường dư thừa là không nhiều”, ông Ngọc phân tích.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]