Độc chiêu lừa tiền bằng thiệp cưới ở Bình Thuận
Trò chuyện khoảng 15 phút, Quyên giả vờ nghe điện thoại rồi rút trong túi một tấm thiệp cưới, nhờ bà Hồng chuyển cho con gái. Màn kịch bắt đầu…
Không manh động, liều lĩnh như tội phạm trộm cướp nhưng đối tượng lừa đảo bằng thiệp cưới hoạt động công khai, chúng tự nhận mình là người thân, người quen biết với gia chủ để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thiệp mời mà ông Xương nhận được từ người phụ nữ lạ mặt.
Theo lời kể bà Lê Thị Hồng (68 tuổi, ngụ tại phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), do nhà neo người, con gái lại đi làm xa nên bà Hồng thường xuyên ở nhà một mình. Cách đây khoảng một tháng, một người phụ nữ trẻ tuổi đến nhà tự giới thiệu là Ngọc Quyên, sống ở TP. HCM, là bạn thân lâu năm không gặp của con gái bà Hồng.
Thấy Quyên nói chuyện rành rọt, lễ phép, lại biết nhiều thông tin về con mình nên bà Hồng vui vẻ mời vào nhà uống nước, tiếp chuyện. Trò chuyện khoảng 15 phút, Quyên giả vờ nghe điện thoại rồi rút trong túi một tấm thiệp cưới, nhờ bà Hồng chuyển cho con gái, đồng thời gợi ý cho bà Hồng đưa trước tiền mừng với lý do đám cưới tổ chức ở miền Tây, đa số bạn bè thân thiết ở đây không thể đến chung vui nên đều gửi tiền chúc mừng trước.
Nghe vậy, bà Hồng cũng thay mặt con gái gửi cho người phụ nữ này 500.000 đồng tiền mừng cưới mà không một chút hoài nghi. “Tôi cứ như bị bùa mê vậy, cô ta nói đã gọi điện thoại thông báo cho con tôi biết nên tôi tin theo. Khi cô ta vừa chạy xe đi, tôi như sực tỉnh gọi lại cho con gái, lúc ấy mới tá hỏa vì biết mình bị lừa” – bà Hồng bàng hoàng kể lại.
Cũng bằng thủ đoạn tương tự nhưng ông Huỳnh Xương (61 tuổi, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết) may mắn hơn vì không “sập bẫy” kẻ lừa đảo.
Chiều 14-6, một người phụ nữ lạ mặt đến nhà để gửi thiệp mời gia đình ông Xương đi dự đám cưới. Theo miêu tả của ông Xương, người phụ nữ này ngoài 50 tuổi, đi xe đạp và tự nhận là chị em bà con phía vợ ông.
Để lấy lòng tin, người phụ nữ này tiếp cận, đọc vanh vách tên của từng người trong gia đình và tỏ ra biết nhiều chuyện liên quan đến gia đình nhà ông Xương. Sau đó ngỏ ý muốn ông Xương gửi trước tiền mừng vì anh chị em trong gia đình đều bận công việc, không thể đi dự cưới và ai cũng đã gửi tiền trước. Bán tín bán nghi, ông Xương tìm cách từ chối và hứa sẽ cùng gia đình đến dự đám cưới sau đó. Do không thuyết phục được ông Xương, người phụ nữ này lấy lý do rồi nhanh chóng bỏ đi.
Về phần tấm thiệp mời mà ông Xương nhận được, nội dung chỉ có vài dòng chữ viết qua loa, nguệch ngoặc, bị bôi xóa, chỉnh sửa và không có địa điểm, ngày giờ tổ chức đám cưới.
Qua hai vụ việc trên cho thấy các đối tượng có thể đã tìm hiểu kỹ thông tin các nạn nhân qua hàng xóm, người địa phương hoặc từ chính người thân trong gia đình nạn nhân và hầu hết đều nhắm đến những gia đình có người già, neo đơn để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, người dân cần cảnh giác với các đối tượng lạ mặt đến nhà, không đưa tài sản, tiền bạc khi không biết chính xác thông tin về họ.
[elementor-template id=”16904″]