Doanh thu tỷ đô ở Việt Nam của Coca-cola và Pepsi

Nhờ thị phần gần như tuyệt đối ở nhóm đồ uống không cồn, tổng doanh thu của hai “ông lớn” này đạt hơn một tỷ USD trong năm 2016.

Hơn 20 năm trên thị trường, cả Coca-cola và Pepsi đã trở thành hai thương hiệu đồ uống quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, cả hai mới chỉ chuyển từ lỗ sang lãi trong 3 năm gần đây, dù doanh thu liên tục tăng trưởng. Trước đó, những “ông lớn” này từng bị nghi vấn chuyển giá khi nhiều năm liền không có lãi.

Đồ uống mang thương hiệu Coca-cola và Pepsi tràn ngập trong các siêu thị.

Đồ uống của Coca-cola và Pepsi tràn ngập trong các siêu thị. Ảnh: Anh Tú

Coca-cola – một trong những đế chế sản xuất đồ uống lớn và lâu đời nhất thế giới, thành lập chi nhánh tại Việt Nam từ năm 1994. Công ty TNHH Nước giải khát Coca-cola Việt Nam đóng vai trò điều hành hoạt động, bao gồm sản xuất và phân phối các dòng sản phẩm mang thương hiệu này trên thị trường.

Định vị vào nhóm sản phẩm đồ uống không cồn, Coca-cola Việt Nam đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hướng tới nhiều phân khúc, trải dài từ đồ uống có ga như Coca-cola, Sprite, Fanta, cho tới nước tăng lực Samurai, nước thể thao Aquarius và nước khoáng Dasani. Doanh thu của Coca-cola Việt Nam, vì thế, đạt con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, dù giá bán mỗi sản phẩm chỉ vài nghìn đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2015 – sau 20 năm hiện diện, Coca-Cola mới lần đầu báo lãi và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca-cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Hai năm này, mỗi năm Coca-cola Việt Nam đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng.

So với Tân Hiệp Phát, biên lợi nhuận gộp của Coca-cola Việt Nam tương đương với mức gần 40%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trên doanh thu của đơn vị này lại cao hơn 10%, trung bình cứ 10 đồng doanh thu thì Coca-cola chi ra 2,3 đồng chi phí bán hàng và chỉ khoảng 6 đồng cho chi phí nguyên liệu.

Có lãi năm 2015, 2016 nhưng do liên tục báo lỗ nhiều năm trước, lũy kế đến cuối năm 2016, Coca-Cola vẫn lỗ gần 2.700 tỷ đồng. Trước đó lỗ lũy kế của Coca-cola Việt Nam cuối năm 2014 lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh hiện tại, cần ít nhất 5 năm nữa để Coca-cola Việt Nam có thể xóa hết lỗ lũy kế. Tuy nhiên, con số lỗ này không cản trở quá trình đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam bởi theo nguồn tin của VnExpress, Coca-cola Việt Nam đã nâng vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ đồng so với năm 2016 lên 12.376 tỷ đồng.

So với Coca-Cola, hoạt động kinh doanh của PepsiCo tại Việt Nam, theo báo cáo tài chính, có phần khả quan hơn. Sau khi lập liên doanh với tập đoàn Suntory của Nhật Bản năm 2013, doanh thu của công ty này tăng mạnh với lợi nhuận lần đầu cán mốc nghìn tỷ.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu của Suntory PepsiCo Việt Nam (công ty liên doanh giữa PepsiCo và Suntory) đạt gần 13.600 tỷ đồng năm 2016, tăng 3.500 tỷ so với trước đó 2 năm. Lợi nhuận trước thuế năm này đạt gần 1.500 tỷ đồng.

So với Coca-Cola, lợi thế của PepsiCo sau khi hình thành liên doanh với Suntory là ngành hàng kinh doanh được mở rộng. Điều này cũng lý giải con số quy mô doanh thu gần gấp đôi so với đối thủ này.

Về các nhãn hàng, PepsiCo có đủ thương hiệu để so kè với Coca-Cola, từ Pepsi – Coca Cola, Mirinda – Fanta, Revive – Aquarius, Aquafina -Dasani, Sting – Samurai. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mở rộng ngành hàng sang trà đóng chai với sự hỗ trợ từ liên doanh cùng Suntory bằng nhãn hàng TEA+. Thị phần của Suntory PepsiCo hiện đứng thứ hai thị trường trà đóng chai, chỉ sau Tân Hiệp Phát.

Tuy nhiên, cũng tương tự Coca-cola, hoạt động của Suntory PepsiCo mới biến chuyển trong ba năm gần đây. Với tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm 2014-2016 đạt hơn 3.300 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối của Suntory PepsiCo Việt Nam đến cuối năm 2016 mới dương trở lại, với hơn 1.800 tỷ đồng.

Dù vậy, nếu so sánh với một đối thủ trong nước như Tân Hiệp Phát, biên lợi nhuận của Coca-Cola và Suntory PepsiCo vẫn thấp hơn đáng kể. Như năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế Tân Hiệp Phát Bình Dương và Number One Hà Nam đạt khoảng 1.800 tỷ trên tổng doanh thu gần 7.000 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gần 26%. Tuy nhiên cùng tỷ lệ này với Coca-cola Việt Nam và Suntory PepsiCo Việt Nam chỉ đạt lần lượt 9,2% và 10,6%.

Hoặc quy mô doanh thu của Coca-cola và Tân Hiệp Phát tương đương nhau ở mức gần 7.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 36%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của Tân Hiệp Phát chỉ gần 700 tỷ, so với mức gần 1.600 tỷ của Coca-cola. Điều này dẫn tới sự chênh lệch lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng.

Minh Sơn

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…