Doanh Nhân Là Tướng Lĩnh Chỉ Huy Trên Mặt Trận Kinh Tế
Để doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam khẳng định và phát huy tối đa vai trò của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. “Đạt được những kết quả rất quan trọng nêu trên là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhưng phải kể đến đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp chính là đội quân chủ lực, trong đó các doanh nhân là “những vị tướng lĩnh, những sĩ quan chỉ huy” để lãnh đạo, quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, quyết định sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của doanh nghiệp FDI cơ bản giữ nguyên.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ phải tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển. Trong đó trước hết là phải xây dựng chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2050. Sớm xây dựng các quy hoạch tổng thế quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng, tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050.
“Những nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chính là điều kiện, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, những mục tiêu, khát vọng phát triển sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vào cuộc của doanh nghiệp, doanh nhân. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp, doanh nhân phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển trên nền tảng công nghệ số, tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường phối hợp, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế để hợp tác cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Bizc.vn