“Doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh tại Việt Nam phải có trách nhiệm chia sẻ và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam!”

Trước tình trạng thiếu container rỗng và các loại cước vận chuyển, phụ phí của các hãng vận tải biển tăng “phi mã” như thời gian vừa qua, tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, các doanh nghiệp (DN) vận tải biển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về cước, phí vận chuyển.

Tăng cước, phí vận tải biển do Covid-19?

Tại cuộc họp về giải pháp đối với việc tăng giá cước vận chuyển và tình trạng thiếu container vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chủ trì tổ chức ngày 18/12, với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp, chủ hàng, các hãng tàu vận tải container nước ngoài, ông Phùng Văn Sâm – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hanfimex Việt Nam cho biết: “2 tháng vừa rồi, công ty chúng tôi lỗ 6 tỷ đồng do tăng giá cước xuất khẩu!”.

Là DN kinh doanh các mặt hàng điều, tiêu, ông Sâm cho biết, hiện mỗi tháng Hanfimex xuất khẩu khoảng 60 container hàng hóa đi châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá cước vận chuyển đường biển làm doanh nghiệp điêu đứng. Có những chuyến hàng trước đây xuất đi Ai Cập có mức phí chỉ 2.000 USD/container nhưng nay đã tăng giá lên 5.000 USD/container.

“Không chỉ tăng giá vô tội vạ, có những hãng tàu chúng tôi đã book xong rồi mới báo là hết container. Có những hãng tàu báo lại là hết container nhưng xuống đến cảng vẫn thấy có khoảng 20 container nằm ở bến. Vậy có hay không tình trạng lợi dụng việc thiếu container để tăng giá? Tình trạng này đang khiến DN gặp rất nhiều khó khăn và có lẽ chúng tôi sẽ phải tạm dừng các chuyến hàng xuất khẩu lại, khi phí giảm xuống và số container rỗng tăng lên mới tiếp tục xuất hàng”, ông Sâm bức xúc chia sẻ.

Lý giải thêm về nguyên nhân tình trạng thiếu container rỗng, ông Nguyễn Trung Dũng – Hãng tàu Yang Ming cho hay, việc biến động giá cả thời gian qua chủ yếu do ảnh hưởng của Covid-19 khiến các hãng tàu thiếu hụt mạnh container. Hãng tàu Yang Ming đang xuất hàng đi Ấn Độ, Pakistan nhưng do ảnh hưởng Covid-19, các quốc gia này thực hiện giãn cách xã hội nên hàng nghìn container đang kẹt ở đó không quay về được. “Mỗi tuần, các quốc gia này chỉ mở biên giới 1, 2 lần cho các hãng tàu vào ra nên nếu như trước đây, chỉ 15-20 ngày có thể quay vòng container thì nay cả trăm ngày không quay lại được. Ở châu Âu và châu Mỹ, các hãng tàu cũng tồn hàng chục nghìn container” – ông Nguyễn Trung Dũng chỉ rõ.

Doanh nghiệp tàu biển cần chia sẻ trách nhiệm

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng chia sẻ khó khăn do tình hình dịch Covid-19 tác động đến các hãng vận tải biển. Nhưng, vấn đề tăng giá còn nhiều điều có thể xem xét lại.

Ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, cước tàu biển rất cao còn nằm ở phụ phí. Phụ phí là vấn đề nhức nhối của các hãng tàu Việt Nam khi có thể lên 400 – 500 USD/container. “Trong lúc khó khăn này, các hãng tàu nên chia sẻ phụ phí với doanh nghiệp và khi nào làm ăn tốt lên thì sẽ thu phụ phí sau” – ông Tương đề xuất.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, liên tục thời gian gần đây, Cục Xuất nhập khẩu đã nhận được phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp về một cuộc khủng hoảng giá cước chưa từng có. Có những chuyến đi Bắc Âu, giá cước vượt đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Nhất là mới chỉ cách đây 4-6 tháng, giá cước vẫn ở mức rất thấp. Thậm chí có hãng còn phát giá bằng 0.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ: “Chúng ta đều thấy nguyên nhân gây sốt giá là do dịch Covid-19, các nước tập trung mua hàng từ các nước Đông Á gây nên tình trạng các luồng hàng đi từ Đông Á thì nhiều nhưng nguồn về ít hơn. Việc container rỗng tồn đọng ở các nước, do tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội mà không đưa được về, đó là yếu tố khách quan. Nhưng ta vẫn cần có biện pháp, giải pháp”.

Ngay sau cuộc họp, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với Cục Hàng hải báo cáo lãnh đạo 2 Bộ, báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tác động mạnh đến xuất nhập khẩu.

“Xét cho cùng, mối quan hệ giữa các hãng tàu và DN xuất nhập khẩu là mối quan hệ hữu cơ, cho nên cần có trách nhiệm chia sẻ khó khăn để cùng nhau phát triển. Chưa kể, các DN vận tải biển hoạt động kinh doanh, thu lợi tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển”, ông Hải chỉ rõ.

Đồng ý kiến, ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau cuộc họp này, Cục Hàng hải sẽ tổng hợp và có công văn gửi trực tiếp cho các hãng tàu để có giải pháp bình ổn giá. “Các hãng tàu cũng có khó khăn nhất định, song đã hoạt động ở Việt Nam thì phải hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam. Sau giai đoạn khó khăn này, có thể kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên, các hãng tàu biển và DN xuất khẩu sẽ cùng có lợi ích cao hơn thay vì chỉ ôm ít hàng với giá cao, khiến DN xuất khẩu phải dời đơn hàng đến thời gian khác” – ông Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh.

Theo Báo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…