Doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Hiện quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các nhà đầu tư Thái Lan đang tăng cường hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập tại Việt Nam. Mới đây, Gulf Energy Development Plc, nhà sản xuất điện tư nhân hàng đầu của Thái Lan vừa có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng cách mua lại 70,5% cổ phần của Global Mind Investment Management Pte (GMIM) từ Nech Opportunities Fund VCC với tổng số vốn đầu tư trị giá 40 triệu USD (1,2 tỷ Bạt).
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2020, Thái Lan có 40 dự án đăng ký mới, 23 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 100 lượt góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 và gần gấp 7 lần so trong giai đoạn 2015-2020.
Hiện Thái Lan là một trong 9 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế đến cuối năm 2020 là 12,8 tỷ USD, tương đương với 603 dự án. Các nhà đầu tư Thái Lan quan tâm nhiều lĩnh vực đa dạng tại Việt Nam, chủ yếu là công nghiệp chế biến – chế tạo, năng lượng sạch và bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Pannakarn Jiamsuchon – Tham tán Thương mại Thái Lan tại Việt Nam – cho hay, ngoài môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được các doanh nghiệp Thái Lan đánh giá cao và nhận thấy điểm sáng này của Việt Nam và các nhà đầu tư Thái Lan đang rất quan tâm đến việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, các nhà đầu tư Thái Lan đang ở Việt Nam cũng đều mong muốn mở rộng đầu tư và những nhà đầu tư mới cũng quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam để có thể hưởng lợi thế mà các FTA mang lại
Được biết, Chính phủ Thái Lan vừa mới thông qua Kế hoạch chiến lược 5 năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo mô hình BCG (kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh) giai đoạn 2021 – 2026.
Việc Chính phủ Thái Lan đưa mô hình BCG vào chương trình nghị sự quốc gia nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển do BCG là một phần của xu hướng phát triển toàn cầu. Cụ thể, 7 ủy ban sẽ được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển, cải thiện các quy định và thu hút đầu tư.
Kế hoạch chiến lược BCG tập trung vào 4 lĩnh vực bao gồm: Nông nghiệp và thực phẩm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế; năng lượng và hóa sinh; du lịch và nền kinh tế sáng tạo. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Kế hoạch đưa ra các biện pháp, chính sách nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm thu nhập cho nông dân. Kế hoạch chiến lược 5 năm của BCG đặt mục tạo thu nhập 4,4 nghìn tỷ Bạt (146,5 tỷ USD), tương đương 24% GDP và tạo ra 16,5 triệu việc làm vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua nghị quyết hỗ trợ người dân bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bằng cách hỗ trợ tiền điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm: Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ được miễn giảm tiền điện tùy theo đối tượng ưu tiên; thời gian áp dụng cho tháng 2 và tháng 3/2021. Đối với doanh nghiệp nhỏ thuộc đối tượng diện 2.1 và 2.2 (không bao gồm cơ quan và doanh nghiệp nhà nước) được miễn phí 50kWh đầu (bao gồm cả phí dịch vụ).
Theo Công Thương