Doanh nghiệp gấp rút kích hoạt lại chế độ phòng dịch
Nhiều doanh nghiệp cho biết bắt đầu kích hoạt lại cơ chế làm việc từ xa, đo thân nhiệt… từ hôm nay (27/7).
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất, vận tải, hay chuỗi nhà hàng F&B… cho biết kích hoạt trở lại hệ thống phòng bệnh.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói, từ 27/7, các doanh nghiệp thành viên Vinatex quay trở lại áp dụng các quy trình phòng dịch như thời gian căng thẳng dịch trước đây. Tại các đơn vị sản xuất ở khu vực miền Trung, nơi đang được coi là “tâm dịch”, các yêu cầu đưa ra nghiêm ngặt, khắt khe hơn.
Theo đó, tất cả nhân viên, người lao động buộc phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào làm việc; thực hiện ngồi họp giãn cách trên 1m và giãn khoảng cách ngồi ăn tại các bếp ăn tập thể… “Chúng tôi cũng đề nghị người lao động không đi du lịch tới các địa điểm đang có dịch dịp này”, ông cho hay.
Cũng tái khởi động các biện pháp phòng Covid-19 từ hôm nay, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, tất cả nhân viên làm việc, khách tới ra vào trụ sở tập đoàn được yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt.
Các cuộc họp của tập đoàn sẽ tiến hành trực tuyến và yêu cầu ngồi giãn cách trong phòng họp. Riêng những nhân viên trở về từ Đà Nẵng một tuần qua được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong vòng hai tuần.
Theo ông, do đã có kinh nghiệm từ đợt phòng dịch trước đây, lần này cũng “không quá lo lắng, song đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu”.
Sau khi Đà Nẵng ghi nhận các ca nhiễm nCoV trong cộng đồng, ngày đầu tuần đi làm, chị Oanh – nhân viên một doanh nghiệp công nghệ tại Hà Nội cho biết, từ hôm nay, cán bộ nhân viên bắt buộc khai báo y tế qua ứng dụng, giãn cách 2 m tại nơi làm việc. Công ty chị cũng tạm bỏ quy định check-in vân tay để phòng tránh dịch.
Những nhân viên có thời gian lưu trú (công tác hoặc du lịch) tại Đà Nẵng từ ngày 12/7 sẽ phải thông báo cho cán bộ quản lý trực tiếp và bắt buộc tự cách ly, làm việc tại nhà trong 14 ngày. “Những chuyến công tác đến đà Đà Nẵng được yêu cầu dừng”, chị cho hay.
Việc áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch theo chị là cần thiết trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng liên tục được phát hiện và chưa rõ nguồn lây. “Mọi người đều đã trải qua đợt phòng dịch đầu tiên nên tất cả đều tuân thủ chặt chẽ quy định mới của công ty. Ai cũng hiểu lúc này ngừa dịch bệnh và an toàn sức khỏe là trên hết”, chị Oanh chia sẻ.
Tương tự, Tập đoàn Masan cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc (văn phòng, nhà máy, siêu thị…) thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, trang bị nước sát khuẩn tay, cán bộ nhân viên đeo khẩu trang 100% khi làm việc tại nơi công cộng và khi tham gia giao thông.
Là đơn vị vận tải, các tài xế của Grab thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người, nên hãng này yêu cầu bắt buộc tài xế phải khai báo y tế một lần mỗi ngày. Doanh nghiệp này cũng nhắc nhở, yêu cầu tài xế và hành khách nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi di chuyển cùng Grab.
“Hành khách có quyền hủy chuyến nếu tài xế không đeo khẩu trang, và ngược lại tài xế cũng có thể huỷ chuyến (không bị ảnh hưởng) nếu khách không đeo khẩu trang”, đại diện Grab Việt Nam chia sẻ.
Còn tại Đà Nẵng, hành khách khai báo y tế, hãng xe công nghệ này cũng khuyến cáo các tài xế hạn chế các chuyến xe có điểm đến bên ngoài địa phận thành phố và dừng các dịch vụ thuê xe (GrabRent, Grab tuyến…).
Cũng kích hoạt hệ thống nhanh chóng, nhóm doanh nghiệp F&B cho biết luôn trong tư thế sẵn sàng. Theo đại diện Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Golden Gate, hiện tại chuỗi nhà hàng tại Đà Nẵng vẫn chưa đóng cửa. Nhưng sau “lệnh” giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng từ chiều nay, có thể doanh nghiệp sẽ tạm đóng các nhà hàng này.
Riêng chuỗi nhà hàng của công ty tại TP HCM và Hà Nội đã bắt đầu kích hoạt hệ thống phòng chống dịch.
“Chúng tôi tăng cường thêm dung dịch sát khuẩn để khách hàng rửa tay trước khi vào nhà hàng, nhân viên đo thân nhiệt khách hàng. Các dụng cụ chế biến và ăn uống tại nhà hàng đều được tiệt trùng ở nhiệt độ cao”, đại diện Golden Gate nói.
Với nhóm siêu thị, hầu hết hệ thống tại TP HCM cho biết, họ đang họp và chuẩn bị kế hoạch đối phó nếu dịch diễn biến phức tạp. Cụ thể, tại hệ thống gần 3000 cơ sở kinh doanh bán lẻ của VinCommerce cũng đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch. Toàn bộ nhân viên bắt đầu đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…Ngoài ra, hệ thống cũng tăng cường nhân viên theo dõi và nhắc nhở khách hàng áp dụng và tuân thủ các biện pháp theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Vnexpress