Diễn tập xả lũ hồ Hòa Bình trước đợt mưa lớn
Trước đợt mưa lớn dự báo kéo dài đến 17/7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức diễn tập xả lũ hồ Hòa Bình.
Đêm 14/7, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó đảm bảo an toàn hạ du.
Cuộc diễn tập nhằm chủ động phối hợp trong vận hành chỉ đạo điều hành liên hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa Hòa Bình, Sơn La (tổng dung tích cắt lũ là 7 tỷ m3, trong đó hồ Hòa Bình là 3 tỷ m3), hệ thống đê điều và hạ du cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong tình huống mưa lũ lớn xảy ra, cũng như rút kinh nghiệm quá trình chỉ đạo.
Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Võ Hải. |
Chủ trì buổi diễn tập, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, diễn biến thời tiết của 3 năm gần đây, đặc biệt nửa đầu năm 2018 hết sức phức tạp, khó lường. Trận mưa ngày 22-26/6 ở miền núi phía Bắc với lượng phổ biến 400-600 mm, cho thấy mức độ cực đoan và khốc liệt của thời tiết.
Việc điều hành xả lũ của hồ Hòa Bình, Sơn La là rất quan trọng trong mùa mưa bão. Hai hồ này ngoài chức năng phát điện còn có nhiệm vụ cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Hồ Hòa Bình đã phải mở hai cửa xả đáy từ 5 ngày qua, hồ Sơn La mở một cửa xả đáy. Theo quy trình, 21h30 đêm qua, hồ Hòa Bình mở thêm một cửa xả đáy trong tổng số 12 cửa xả.
Thực hiện quy trình vận hành an toàn, hồ Hòa Bình đã mở 3 cửa xả đáy. Ảnh: Giang Huy. |
Trong khi đó theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 15/7 áp thấp hình thành trên biển Đông gần vùng biển Việt Nam và dự báo xa thời tiết còn diễn biến phức tạp. Từ nay đến ngày 17/7, miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa lớn.
Lần đầu diễn tập xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình
Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết, tỉnh có nhiều vùng đối diện nguy cơ sạt lở, lũ quét. Hàng năm tỉnh vẫn diễn tập, nhưng đây là lần đầu tiên diễn tập xả lũ hồ Hòa Bình. Tỉnh đã huy động hơn 250 lượt cán bộ, chiến sĩ, công an, quân đội và dân quân tự vệ các địa phương triển khai công tác ứng phó.
Trước khi xả lũ, toàn bộ 76 nhà bè của nhân dân vạn chài cư trú tại phường Tân Thịnh và phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình được di dời, hơn 240 lồng cá (TP Hòa Bình 140 lồng, huyện Kỳ Sơn 102 lồng) được hỗ trợ di chuyển vào sát bờ, chằng chống neo đậu đảm bảo an toàn.
Các lực lượng tham gia diễn tập xả lũ hồ Hoà Bình trong đêm 14/7. Ảnh: Giang Huy. |
Ông Dũng cho hay, trước tình huống khẩn cấp mưa lũ, vào tháng 10/2017 thủy điện Hòa Bình đã phải mở 6 cửa xả vào lúc 3h sáng. Tuy nhiên, các lực lượng cũng đã kịp thời sơ tán dân từ các nhà bè lên bờ an toàn.
Từ thực tế trên, Phó chủ tịch Hòa Bình cho rằng, các tình huống thiên tai nguy hiểm nhất thường diễn ra vào ban đêm, đó cũng là một trong những lý do cơ quan chức năng chọn thời điểm diễn tập xả lũ hồ Hòa Bình trong đêm.
“Cuộc diễn tập sẽ nâng cao khả năng điều hành hiệp đồng của các lực lượng khi có tình huống thiên tai xảy ra, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân, chủ động sơ tán trước khi có tình huống khẩn cấp, giảm thiểu thiệt hại”, ông Dũng nói.
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay tới cuối năm 2018, sẽ có khoảng 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới biển Đông, trong đó 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Lượng mưa tại Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) trong các tháng 7, 8 và 12 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Các tháng 10, 11 xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ lớn nhất năm 2018 ở thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức báo động 2-3; riêng tại Hà Nội, đỉnh lũ lớn nhất thấp hơn báo động 1. Thống kê của Ban chỉ đạo, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai khiến 75 người chết và mất tích. Trong đó, riêng đợt mưa lũ cuối tháng 6 khiến 33 người chết và mất tích, hơn 500 nhà bị sập, đổ, trên 14.500 nhà hư hỏng, ngập nước… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính 870 tỷ đồng. |
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]