Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Bộ Tài chính giải thích thế nào?
Một trong những nội dung đang gây chú ý đó là việc Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,3% (phương án 1) 0,4% (phương án 2). Nếu sắc thuế này được thông qua sẽ tác động đến hàng triệu gia đình có nhà trên 700 triệu đồng hiện nay. Nhiều cá nhân lo lắng cho dù Bộ Tài chính cho rằng ngân sách sẽ thu tối đa 1,5 tỉ USD (31.000 tỷ đồng)…
Một trong những nội dung đang gây chú ý đó là việc Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,3% (phương án 1) 0,4% (phương án 2). Nếu sắc thuế này được thông qua sẽ tác động đến hàng triệu gia đình có nhà trên 700 triệu đồng hiện nay. Nhiều cá nhân lo lắng cho dù Bộ Tài chính cho rằng ngân sách sẽ thu tối đa 1,5 tỉ USD (31.000 tỷ đồng)…
Đánh thuế tài sản để… đảm bảo công bằng xã hội!?
Về việc đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính cho rằng: “Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Trong khi đó tại Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất”.
Cũng theo Bộ Tài chính, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.
Mức thuế tài sản ở một số nước
Bộ Tài chính cũng cho rằng: Việc đánh thuế tài sản là nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chính sách thuế đối với tài sản; thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời việc này cũng nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Vì sao chọn mức đánh thuế nhà có giá trị 700 triệu đồng?
Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Lý giải về “mốc 700 triệu”, Bộ Tài chính cho biết: “Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng”.
Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).
Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).
Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Bộ Tài chính lý giải: Với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 700 triệu đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng), phương án này không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III (phạm vi điều tiết đối với nhà tại nông thôn và nhà cấp III sẽ nhiều hơn phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng).
Việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các phương án này là tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Để giải quyết điều này, cơ quan đề xuất cho biết có đưa một điều vào dự thảo Luật, trong đó quy định cho phép chậm nộp tiền thuế đến khi chuyển nhượng.
Theo Linh Anh
Lao động