Đảm bảo môi trường thương mại công bằng thông qua phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại
Thời gian gần đây, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, khiếu nại từ các thị trường nhập khẩu đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam liên tục gia tăng. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và mở cửa thị trường đang đặt các ngành sản xuất trong nước đứng trước thách thức cạnh tranh đến từ hàng nhập khẩu. Trước tình hình trên, nhiều nước đã tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, chống trốn thuế phòng vệ thương mại… để bảo vệ thị trường và các ngành sản xuất của mình. Bên cạnh đó, với sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, mâu thuẫn về lợi ích giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với ngành sản xuất trong nước tại thị trường nhập khẩu ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt thêm nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2020, đã có 167 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; trong số đó các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU….
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp…Ngoài ra Bộ Công Thương còn trình Chính phủ ban hành Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại…
Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã thu được một số kết quả khả quan trong các vụ việc trên. Cụ thể chúng ta đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực, 2 vụ đang trong quá trình xét xử. Đặc biệt Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xử lý 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra và cá da trơn. Theo đó, Hoa Kỳ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn của Việt Nam đủ điều kiện được xuất khẩu ổn định sang thị trường này.
Nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam, ngày 4/7/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; đồng thời ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết để thực hiện một cách có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết số 119/NQ-CP, thời gian tới Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác phòng vệ thương mại. Cụ thể đối với điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, Cục sẽ tiếp tục tiến hành điều tra chống bán phá giá và đưa ra kết luận trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc có dấu hiệu bị thiệt hai do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Ngoài ra để vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Cục phòng vệ thương mại cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường Hoa Kỳ, Canađa, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP. Cục cũng sẽ cập nhật một cách thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm giúp các cơ quan chức năng có cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm.
Theo BizC.vn