Đảm bảo cung ứng gạo dự trữ để bình ổn thị trường
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương vừa ban hành công văn hỏa tốc đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Từ đầu năm 2020, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó lường. Bên cạnh tình hình phức tạp của các yếu tố khách quan, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục có phát sinh tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam như: các nước sản xuất (cả nước xuất khẩu và nhập khẩu) đều nỗ lực gia tăng sản lượng; nhu cầu nhập khẩu thấp từ một số thị trường truyền thống của Việt Nam gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia; Philippines tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua việc thông báo tiến hành thực hiện “Đánh giá lại Hệ thống quản lý An toàn Thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philiipines”. Các động thái và tình hình trên đã và đang gây áp lực không nhỏ lên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trước tình hình đó, để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo được quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP cũng như có biện pháp để ứng phó đối với rủi ro về giá, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã ban hành công văn hỏa tốc số 225/XNK-NS ngày 08/3/2020 đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về dự trữ lưu thông và bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước.
Cụ thể, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó; đồng thời có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ giao và triển khai hiệu quả các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường khuyến nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn hoặc là hội viên Hiệp hội tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, thương hiệu doanh nghiệp.
Đồng thời thường xuyên theo dõi sát giá thóc, gạo trên địa bàn, nhất là thời điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân 2019 – 2020, kịp thời báo cáo Cục Xuất nhập khẩu khi thị trường có biến động; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương hướng dẫn các thương nhân, hợp tác xã, người nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng đối với gạo xuất khẩu, tạo thuận lợi cho công tác chuyển hướng thị trường một cách hiệu quả, kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
Theo Bizc.vn