Đại hội VFF: Chạy đua nhưng đừng chơi xấu!
Đại hội VFF đang tới gần, những thông tin chuyện hậu trường cũng xuất hiện nhiều hơn. Ở một tổ chức xã hội nghề nghiệp có tính đại chúng như VFF, người ta được quyền chạy đua, nhưng cách chơi đòn tiểu xảo với đối thủ lại là điều đáng phải suy nghĩ.
Thời gian qua, người ta chứng kiến muôn vàn những mũi tên được nhắm vào hai ứng viên cho vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch tài chính VFF. Ông Trần Quốc Tuấn, một trong những ứng cử viên nặng ký cho chức Chủ tịch VFF bị cho là người thâu tóm quyền lực, không đủ tầm làm lãnh đạo cao nhất. Thậm chí, để giảm uy tín của ông này, người ta còn nhắc lại vụ việc bị tố nhận hối lộ dù rằng trước đó cơ quan chức năng đã kết luận không có hành vi như trên.
Còn với ông Trần Anh Tú, cách đây hai năm, người ta ví ông như người hùng khi một tay đưa ĐT futsal Việt Nam vào World Cup. Ông Tú cũng được coi là bà đỡ cho bóng đá nữ và bóng đá trẻ Việt Nam khi tài trợ hàng chục tỷ đồng cho những sân chơi vốn không thể thu hút được doanh nghiệp đồng hành.
Thế nhưng khi ứng cử vào vị trí phó Chủ tịch VFF, ông Tú phải nhận không ít những đòn công kích. Ông còn bị ví là “mafia bóng đá” khi thâu tóm nhiều vị trí ở VFF cũng như VPF. Nhưng, những người chỉ trích ông Tú đã “quên” không nhắc đến kế hoạch mà doanh nhân này đã công khai tuyên bố vào ngày 8/1 ngay sau khi nhậm chức Tổng giám đốc VPF, rằng ông chỉ tạm quyền một thời gian khi chưa tìm được ứng viên thích hợp.
Người ta nói, một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Các đối thủ luôn khéo léo vin vào cái cớ bên ngoài mà không cần quan tâm đến bản chất vấn đề trong cuộc đua đến những chiếc ghế cao ở VFF. Nói đâu xa, khi ông Tú một lần nữa công bố sẽ rút khỏi vị trí Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành giải thì người ta vẫn không chịu ghi nhận thông điệp này mà vẫn bền bỉ ca bài ca “ông Tú ôm đồm nhiều vị trí, thâu tóm quyền lực”.
Cuộc chiến ở VFF trước thềm đại hội cho phép các đối thủ được vận động nhằm tìm kiếm ửng hộ. Thậm chí, họ có quyền thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh và thông điệp của mình. Nhưng, chiến dịch bôi nhọ, tấn công đối thủ thì lại là vấn đề khác.
Có lẽ, các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc nhằm đảm bảo cuộc đua ở VFF diễn ra minh bạch. Những cuộc đấu đá không có hồi kết không chỉ làm tổn hại danh dự các cá nhân liên quan mà còn khiến bóng đá nước nhà bị kéo tụt sự phát triển.