Đại dương mới sẽ xuất hiện ở châu Phi
Biển Đỏ và vịnh Aden có thể sáp nhập thành đại dương mới khi châu Phi tách đôi, kết quả từ hoạt động địa chất trong 30 triệu năm qua.
Giới nghiên cứu đã biết 3 mảng kiến tạo Nubian, Somali và Arabian nằm bên dưới vùng Afar của châu Phi đang chậm rãi tách dần khỏi nhau. Giáo sư Ken Macdonald ở Đại học California, Mỹ, và cộng sự sử dụng ảnh vệ tinh và dữ liệu đo để nghiên cứu quá trình này chính xác hơn và dự đoán quá trình đại dương mới làm ngập khu vực. Theo họ, trong khoảng 5 – 10 triệu năm nữa, đại dương mới sẽ xuất hiện dọc thung lũng tách giãn, ngăn cách vùng Afar với Đông Phi, biến khu vực này thành một tiểu lục địa.
“Với GPS, bạn có thể đo tốc độ dịch chuyển ở mức vài milimet mỗi năm. Khi chúng tôi tiến hành ngày càng nhiều phép đo qua GPS, chúng tôi có thể hình dung chi tiết hơn những gì đang xảy ra”, Macdonald cho biết.
Quá trình phân tách là kết quả biến động do mảng kiến tạo Somali plate nằm phía dưới Đông Phi di chuyển ra xa khỏi mảng kiến tạo Nubian ở bên cạnh. Trước đó, mảng kiến tạo Arabian đã tách khỏi lục địa, tạo ra Biển Đỏ và vịnh Aden giữa những dải đất từng nối liền nhau. Giờ đây, sự phân tách dọc Thung lũng tách giãn Đông Phi chạy qua Ethiopia và Kenya sẽ làm thay đổi bản đồ thế giới trong vài triệu năm nữa.
Bằng chứng dễ thấy nhất của quá trình vận động địa chất này là sự xuất hiện của vết đứt gãy dài 56 km ở Ethiopia vào năm 2005 và hoạt động núi lửa trong khu vực. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với các nhà khoa học. “Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất bạn có thể nghiên cứu quá trình tách giãn lục địa trở thành tách giãn đại dương”, nghiên cứu sinh tiến sĩ Christopher Moore ở Đại học Leeds, Anh, chia sẻ. Do đó, Đông Phi trở thành phòng thí nghiệm tự nhiên cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi hoạt động kiến tạo kéo dài hàng triệu năm.
An Khang (Theo Sputnik) (theo vnexpress.net).