Cựu đại sứ tại Triều Tiên: ‘Việt Nam là hình mẫu hợp lý cho Kim Jong-un’

Việt Nam và Triều Tiên có nhiều tương đồng về hoàn cảnh lịch sử và đặc trưng quốc gia, theo cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức.

Ông Dương Chính Thức, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên. Ảnh: NVCC.

Ông Dương Chính Thức, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên. Ảnh: NVCC.

Trong cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 tại biên giới liên Triều, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chia sẻ tầm nhìn về đổi mới và mở cửa đất nước theo mô hình của Việt Nam, theo một quan chức cấp cao Hàn Quốc. Một số nhà quan sát quốc tế đánh giá hình mẫu mà ông Kim nhiều khả năng đi theo nhất là Việt Nam – từ cựu thù trở thành đối tác thương mại và an ninh của Mỹ. Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam thực hiện vào giữa những năm 1980 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%. Vào đầu những năm 1990, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Mỹ mở sứ quán ở Hà Nội và các nhà đầu tư Mỹ tiến vào thị trường Việt Nam.

Trước vấn đề này, ông Dương Chính Thức, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên và Hàn Quốc, lý giải quan điểm trong trao đổi với VnExpress. Ông Thức có hơn 20 năm học tập và làm việc tại Triều Tiên từ những năm 1960.

– Ông đánh giá thế nào về ý kiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể coi Việt Nam là hình mẫu để phát triển kinh tế? 

– Đây là một vấn đề hợp lý, vì Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về hoàn cảnh so với thời kỳ Việt Nam mới mở cửa năm 1986. Hai bên đều chịu ảnh hưởng của chiến tranh, bị Mỹ và nhiều nước bao vây cô lập, lấy nông nghiệp là kinh tế chủ chốt. Việt Nam và Triều Tiên cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo dù tên gọi khác nhau, định hướng đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa và có cả nét tương đồng về văn hóa.

Trong giai đoạn 1975 -1986, Việt Nam đã phải tìm mọi cách để thoát khỏi tình hình hậu chiến tranh. Đến 1986 thì Việt Nam bắt đầu thực hiện mở cửa, phá thế bao vây và hội nhập quốc tế. Sau hơn 30 năm, hình ảnh của Việt Nam bây giờ đã khác trước rất nhiều.

Về ý kiến Singapore là mô hình của Triều Tiên, tôi không cho là thích hợp vì Singapore là nước đi theo định hướng tư bản chủ nghĩa và có đa đảng.

– Cụ thể Triều Tiên có thể áp dụng những bài học gì từ Việt Nam? 

– Triều Tiên có thể xem xét con đường mà Việt Nam phá vỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ và các nước khác sau chiến tranh. Triều Tiên có thể đi theo con đường mà Việt Nam đã trải qua, thực hiện từng bước như thế nào để dần dần Việt Nam đang là đối tác quan trọng của Mỹ.

Triều Tiên cũng có thể trao đổi với Việt Nam về đường lối mở cửa, trao đổi kinh nghiệm về các cơ sở pháp lý như Luật Đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Vấn đề lớn nhất của nền nông nghiệp Triều Tiên là đang thiếu vốn. Thực tế Triều Tiên đã có nền tảng hiện đại hóa nông nghiệp từ những năm 1970, nếu được cấp vốn sẽ không mất nhiều thời gian để khôi phục. Với Việt Nam, năm 1984 còn tình trạng thiếu lương thực, nhưng đến năm 1986 Việt Nam đã có thể xuất khẩu gạo sau khi mở cửa. Triều Tiên lại có dân số ít hơn Việt Nam, khoảng 25 triệu người, cho nên ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nông sản.

– Triều Tiên cần lưu ý những vấn đề gì về chính trị? 

– Khi đặt ra vấn đề mở cửa của một quốc gia, cần tính đến tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh, cần cân nhắc thực hiện cái gì trước, cái gì sau. Trong những năm đầu 1986 – 1987, Việt Nam chỉ nói đến cải cách kinh tế, chưa nhắc đến mở cửa chính trị.

Việc phá thế bao vây cô lập của các nước trên thế giới cũng có rủi ro mất chế độ. So với Việt Nam, Triều Tiêng đứng trước nguy cơ nặng nề hơn vì có chung đường biên giới với Hàn Quốc, liệu có làn sóng người Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc không? An ninh của chế độ có được bảo đảm không khi có nhiều nước lớn muốn vào Triều Tiên như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga.

Tôi cho rằng Bắc Kinh luôn muốn giữ Bình Nhưỡng trong vòng kiểm soát của mình. Đây là một thách thức lớn của Triều Tiên.

– Nếu thực hiện mở cửa, thuận lợi của Triều Tiên là gì ?

– Triều Tiên đã có nền tảng phát triển công nghiệp nặng từ sớm. Cuối những năm 1970 họ đã có sản lượng điện khoảng 70-80 tỷ Kwh và đầu thập niên 1990 đặt mục tiêu đạt sản lượng điện 100 tỷ Kwh. Công nghiệp nhẹ của Triều Tiên cũng đã có nền tảng tốt từ thời được các nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa giúp đỡ gồm thời Liên Xô, các nước Đông Âu và Trung Quốc.

Ở bán đảo Triều Tiên, các tài nguyên thiên nhiên tập trung ở miền bắc, do đó Triều Tiên có rất nhiều tài nguyên như mỏ vàng, kẽm, than, kim loại màu, đất hiếm, so với Hàn Quốc. Với tổng diện tích 120.000 km2, dân số khoảng 25 triệu người, sức nặng mà nền kinh tế phải gánh không lớn. Bên cạnh đó, Triều Tiên không bị chiến tranh tàn phá cơ sở hạ tầng như Việt Nam thời mở cửa 1986.

Nếu Triều Tiên mở cửa, sẽ có rất nhiều nước quan tâm đổ vốn vào như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc, Nga. Có thể nói là không nước nào muốn bị chậm chân.

– Những khó khăn của Triều Tiên là gì?

– Hiện tại Triều Tiên ở trong tình trạng khó khăn hơn Việt Nam năm 1986. Nước này bị cấm vận với mức độ khắc nghiệt hơn, khi Mỹ, đồng minh và Liên Hợp Quốc tăng cường trừng phạt do liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa. Tình hình của Triều Tiên ngày càng khó khăn, không giao lưu với nước nào.

Triều Tiên đã không nhận được nhiều hỗ trợ từ các nước sau khi phe Xã hội Chủ nghĩa sụp đổ vào đầu những năm 1990. Trong khi đó Trung Quốc thì giúp đỡ cầm chừng.

Một rủi ro nữa của Triều Tiên là liệu cam kết của Mỹ có thay đổi nếu chính quyền khác thay thế chính quyền Trump, chuyện gì sẽ xảy ra nếu phe đối lập của ông Moon Jae-in nắm quyền, họ có trở lại quan điểm cứng rắn với Triều Tiên hay không.

– Triều Tiên cần làm gì để phá vỡ thế bao vây, cấm vận?

– Họ cần thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà lãnh đạo Kim Jong-un đã thống nhất với Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong hai cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 và 27/4.

Vấn đề chính hiện nay là Triều Tiên cần giải quyết dứt điểm vũ khí hạt nhân để Mỹ có thể dỡ cấm vận. Tuy nhiên hai bên chưa hoàn toàn tin nhau.

Việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên không phải thực hiện được trong một hai ngày, mà có thể cần đến hàng chục năm. Mỹ và Triều Tiên đang ở tình trạng vừa làm vừa nhìn nhau. Khó dự đoán được tình hình vì Tổng thống Mỹ Trump là người hay thay đổi.

Về phía Triều Tiên, tôi tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết tâm phi hạt nhân hóa, vì trong Nghị quyết năm 2016, Bình Nhưỡng đặt vấn đề phát triển kinh tế lên trên cả quốc phòng. Tôi tin cam kết của họ vì Bình Nhưỡng không còn con đường nào khác để phá thế bao vây của Mỹ. Kim Jong-un có thể là người có tư tưởng thoáng hơn cha và ông, Kim Jong -un có thể muốn xây dựng hình ảnh Triều Tiên mới.

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…