Cuộc nổi loạn trên khinh hạm chống ngầm Liên Xô năm 1976
Chính trị viên Valery Sablin chiếm khinh hạm Storozhevoy và chạy trốn, buộc Liên Xô điều một lực lượng lớn hải quân và không quân truy đuổi.
Một khinh hạm chống ngầm lớp Burevestnik của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia. |
Tối 8/10/1976, đại úy Anatoly Potulny, chỉ huy khinh hạm chống ngầm Storozhevoy đang neo đậu ở quân cảng Riga, Litva nhận được thông báo khẩn từ đại úy Valery Sablin, chính trị viên trên tàu, về một số thủy thủ say rượu ở dưới khoang sonar. Potulny liền đi xuống kiểm tra mà không hề biết rằng mình sắp trở thành nạn nhân của một vụ nổi loạn trên tàu, theo National Interest.
Khi xuống khoang sonar kiểm tra, Potulny không phát hiện thủy thủ say rượu nào và bất ngờ nghe thấy tiếng khóa cửa hầm bên trên. “Xin lỗi, tôi không thể làm khác. Sau khi cập cảng, anh sẽ được quyết định vận mệnh của mình”, Sablin nói với thuyền trưởng Potulny đang ra sức đập cửa.
Sablin, chính trị viên 37 tuổi, là người luôn đề cao lý tưởng. Khi còn là học viên, Sablin từng viết thư cho tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev để đưa ra lời khuyên về những cải cách. Giờ đây, anh chỉ trích tổng bí thư Leonid Brezhnev vì tập trung vào các dự án quân sự thay vì cải cách chính trị, nên quyết định chiếm quyền kiểm soát tàu Storozhevoy để kêu gọi thay đổi.
Sau khi trao khẩu súng lục cho trung úy Alexander Shein để canh gác thuyền trưởng, Sablin tập hợp 16 sĩ quan trên tàu để thông báo về kế hoạch nổi loạn của mình.
Theo kế hoạch, Sablin sẽ cho tàu rời cảng Riga để đến Leninggrad cách 804 km về phía đông bắc và neo đậu tại đảo Kronstadt. Tại đây, họ sẽ kêu gọi lãnh đạo Liên Xô thực hiện một cuộc cải cách mới.
Các sĩ quan trên tàu sau đó biểu quyết về kế hoạch của Sablin, nhưng chỉ có 8 người ủng hộ, 8 người còn lại phản đối. Tuy nhiên, hầu hết thủy thủ trên tàu đứng về phía Sabin và nhốt những sĩ quan phản đối vào cabin.
Trung úy Firsov giả vờ ủng hộ Sablin để khỏi bị giam, sau đó trốn khỏi tàu Storozhevoy và thông báo về cuộc nổi loạn cho nhóm lính gác một tàu ngầm neo đậu gần đó.
Nhận thấy kế hoạch đã bị lộ, Sablin quyết định cho tàu nhổ neo sớm, tắt radar và đèn hiệu, bí mật rời quân cảng Riga ngay trong đêm.
Để đến được Leningrad, chiếc tàu cần đi lên phía bắc tiến vào Biển Baltic, hướng về Thụy Điển. Hạm đội Baltic của Liên Xô lúc này đã nắm được tình hình và cho rằng khinh hạm Storozhevoy đang đào tẩu đến Thụy Điển.
Lãnh đạo Liên Xô coi đây là hành động đào tẩu nghiêm trọng, bởi tàu Storozhevoy mới chỉ được đưa vào biên chế 18 tháng và thuộc khinh hạm lớp Burevestnik tối tân của hải quân Liên Xô. Nó vốn được thiết kế để săn tàu ngầm Mỹ từ khoảng cách hơn 80 km nhờ được trang bị rocket tầm ngắn RBU-6000 và tên lửa tầm xa SS-N-14 Metelm nên việc để tàu lọt vào tay phương Tây chẳng khác nào thảm họa.
Một phó đô đốc hải quân Liên Xô đã tìm cách liên lạc qua vô tuyến, thuyết phục Sablin quay đầu trở về với cam kết sẽ tha thứ cho hành động nổi loạn nhưng bất thành. Cuối cùng, sự việc được báo cáo cho tổng bí thư Brezhnev lúc 4 giờ sáng. Ông ra lệnh sử dụng vũ lực để ngăn chặn vụ đào tẩu.
Sau khi nhận lệnh, 11 tàu tấn công nhanh từ cảng Riga và Liepiejaie ở Latvia được triển khai để đuổi theo chiếc khinh hạm. Cùng lúc đó, máy bay tuần thám Il-38 và oanh tạc cơ Tu-16 của hải quân, cùng các oanh tạc cơ Yak-28I và Yak-28L thuộc Trung đoàn Oanh tạc cơ số 66 không quân xuất kích, quần thảo trên biển.
Tuy nhiên, tầm nhìn hạn chế khiến hoạt động truy tìm khinh hạm Storozhevoy trên Vịnh Riga gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc quần thảo, phi đội oanh tạc cơ Yak-28 phát hiện một con tàu ở eo biển Ibre và thả một quả bom FAB-250 gây hư hại nặng, nhưng đây chỉ là một tàu hàng Liên Xô đang trên đường đến Phần Lan.
Lúc 6 giờ sáng, tàu Storozhevoy đi vào khu vực sương mù dày đặc, buộc Sablin phải bật radar để tránh va chạm tàu thương mại. Khi chiếc tàu băng qua eo biển Irbe, nó bị đèn hải đăng chiếu vào.
Chính trị viên Valery Sablin, người cầm đầu cuộc nổi loạn trên tàu Storozhevoy. Ảnh: History. |
Lúc 8 giờ, phi đội oanh tạc cơ Tu-16 bắt được tín hiệu radar của tàu Storozhevoy. Dù được trang bị tên lửa hành trình dẫn đường bằng radar KSR-5 Raduga, phi công Tu-16 từ chối khai hỏa vì chiếc khinh hạm đang ở trên vùng biển quốc tế, có thể khiến một tàu trung lập bị vạ lây, cũng như không muốn tấn công đồng đội trên tàu. Sĩ quan vận hành radar của Thụy Điển theo dõi hoạt động hải quân và không quân Liên Xô và nghe họ liên lạc vô tuyến.
Cuối cùng, tất cả 36 oanh tạc cơ Yak-28 của trung đoàn 668 cũng tham gia cuộc truy đuổi. Trong khi đó, hai tàu tên lửa dưới sự chỉ huy của đại úy Bobrikov áp sát khinh hạm Storozhevoy ở khoảng cách 80 km, sẵn sàng tung đòn tấn công bằng tên lửa diệt hạm P-15 Termit.
Một oanh tạc cơ Yak-28 nã pháo 23 mm vào mạn trái tàu Storozhevoy. Chiếc khinh hạm được trang bị hai pháo 76,2 mm và tên lửa phòng không 9K33 Osa nhưng không bắn trả do chưa nạp đạn hoặc Sablin ra lệnh không được kháng cự.
Phi đội oanh tạc cơ liên tục ném bom sát chiếc khinh hạm khiến nước dội lên tàu. Một quả bom FAB-250 rơi trúng đuôi tàu, thổi bay một mảng sàn và khiến bánh lái bị kẹt. Do bị nước tràn vào, tàu Storozhevoy bắt đầu chạy vòng tròn trước khi dừng lại ở vị trí cách hải phận Thụy Điển hơn 9 km.
Trong khi đó, ba thủy thủ giải cứu thuyền trưởng Putolny khỏi khoang sonar. Mang theo khẩu súng ngắn, Putolny đột kích vào phòng chỉ huy và bắn vào chân Sablin.
Lúc 10h32, Putolny liên lạc báo cáo đã chiếm lại quyền kiểm soát con tàu. Phi đội oanh tạc cơ Yak-28 cũng ngừng ném bom sau khi tấn công nhầm các tàu Liên Xô truy đuổi phía sau và bị bắn trả nhưng không gây thiệt hại. Hải quân đánh bộ Liên Xô sau đó đổ bộ lên tàu Storozhevoy, bắt giữ toàn bộ thủy thủ.
Thủy thủ đoàn trên tàu Storozhevoy bị giam giữ vài tháng, vài người bị xét xử, trong đó đại úy Sablin và một trung úy bị kết án 8 năm tù.
Duy Sơn
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]