Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của dầu thô
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đã chứng kiến nhiều cú sốc giá dầu trong hàng thập kỷ qua, nhưng chưa lần nào khủng khiếp như năm nay.
Năm 2020 chứng kiến hàng loạt thị trường, doanh nghiệp và cả nền kinh tế quay cuồng trong ảnh hưởng của Covid-19. Những tác động này cũng hiện diện trong mọi mắt xích chuỗi cung ứng dầu toàn cầu, xé toạc mọi bộ phận của ngành năng lượng.
Dầu thô năm nay chịu cú sốc kép, cả về cung và cầu. Nhu cầu nhiên liệu lao dốc khi người dân hạn chế đi lại và các nước áp dụng chính sách phong tỏa trong đại dịch. 2020 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo giảm.
Trong khi đó, nguồn cung lại tăng mạnh do cuộc chiến giá của các nước sản xuất lớn. Đầu tháng 3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại trong việc thống nhất giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu trong đại dịch. Thỏa thuận giảm sản lượng khi đó giữa OPEC và các đồng minh (OPEC+) sẽ hết hạn vào tháng 3.
Giới phân tích cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này. Một là Riyadh muốn trừng phạt Nga vì từ bỏ liên minh OPEC+. Hai là Saudi Arabia muốn củng cố vị trí là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Sau đó vài ngày, Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP) với các sản phẩm thêm 6 – 8 USD một thùng và công bố kế hoạch tăng sản xuất mạnh tay, châm ngòi cho cuộc chiến giá. Động thái này ngay lập tức khiến hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới – WTI và Brent ghi nhận phiên giảm xấp xỉ 30%, mạnh thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau đợt lao dốc tháng 1/1991.
Tổng cộng 3 tháng đầu năm, Brent mất giá tới hơn 65%, còn WTI mất hơn 66% – tệ nhất lịch sử. Đà giảm lần này lại gần như không thể chặn đứng.
Francisco Blanch – Giám đốc Hàng hóa tại Bank of America cho biết với cơ chế thông thường, người tiêu dùng sẽ mua vào khi giá giảm. Nhưng hiện tại, nguyên lý này không hoạt động, vì các lệnh phong tỏa. “Thế giới chưa bao giờ dừng lại như thời gian qua. Đây là điều khiến cuộc khủng hoảng hiện tại khác thời Đại Suy thoái”, ông nói, “Các hãng dầu đang phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất”.
Hàng loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo sức ép sẽ đặc biệt lớn với ngành dầu đá phiến Mỹ. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì không đủ sức gánh các khoản nợ ngân hàng khi giá dầu xuống quá thấp. Điều này đã trở thành sự thật khi vào đầu tháng 4, Whiting – một trong những công ty dầu mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ tại Bắc Dakota nộp đơn xin phá sản, trở thành nạn nhân lớn đầu tiên của cuộc khủng hoảng giá dầu.
Không thể tiếp tục đứng ngoài, OPEC và các đồng minh liên tục họp khẩn, chốt mức giảm sản xuất lớn nhất lịch sử – 9,7 triệu thùng một ngày – tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu. Mỹ và IEA cũng tham gia vào nỗ lực cứu thị trường.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực này, giá dầu thô sau đó vẫn đi xuống. Dầu thô Mỹ WTI về 20 USD, rồi 15 USD một thùng. Giá giảm chủ yếu do các kho chứa đang được lấp đầy quá nhanh và hợp đồng WTI sắp đáo hạn. Khi một hợp đồng tương lai gần đến ngày đáo hạn, giá của chúng thường sẽ dịch chuyển về bằng giá bán dầu thực tế trên thị trường. Điều này khiến WTI giao tháng 5 liên tục đi xuống trong những ngày cuối.
Dù vậy, điều ít người ngờ tới là giá loại dầu này thậm chí xuống âm 37,63 USD trong phiên 20/4 – lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0. Giá dầu âm đồng nghĩa người bán phải trả tiền cho người mua.
Có hai nguyên nhân cho việc này. Một là nhóm đầu cơ chấp nhận bán lỗ để không phát sinh thêm chi phí lưu trữ dầu khi hợp đồng đáo hạn, trong bối cảnh chỗ chứa ngày càng đắt đỏ. Hai là các hãng sản xuất dầu sẵn sàng trả tiền để đẩy dầu thô đi, vì chẳng ai có nhu cầu dầu vào lúc này, khi cả nền kinh tế đang bị phong tỏa. Với họ, việc này vẫn còn rẻ hơn so với phải ngừng sản xuất hay tìm chỗ chứa.
Giá WTI ngay phiên sau đó trở lại vùng dương khi thị trường chuyển sang hợp đồng giao tháng 6. Nhu cầu được cải thiện khi các nhà máy lọc dầu Trung Quốc hoạt động trở lại. Nguồn cung cũng giảm bớt khi OPEC+ bắt đầu giảm sản xuất. Chốt tháng 5, dầu WTI tăng 88% – mạnh nhất lịch sử. Dầu Brent cũng tăng gần 40% – mức tăng tốt nhất kể từ năm 1999. Giá cả hai khi đó đều quanh 35 USD một thùng.
Kể từ đó, diễn biến của cả WTI và Brent khá ổn định, do các nước dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa và quá trình phát triển vaccine Covid-19 thuận lợi. OPEC+ hồi tháng 6 cũng thống nhất kéo dài mức giảm sản xuất kỷ lục đến hết tháng 7. Trước đó, thời gian áp dụng chỉ là tháng 5 và 6.
Dù đã phục hồi, giá dầu quanh 40 USD vẫn còn rất thấp so với chi phí của hầu hết các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Việc này đã gây ra hàng loạt vụ đóng cửa, sa thải và cắt giảm chi phí tại nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Hàng trăm giàn khoan dầu tại Mỹ đã phải đóng cửa năm nay. Cuối tháng 6, đại gia dầu khí Chesapeake Energy Corporation nộp đơn xin phá sản vì đại dịch và giá dầu thấp. Một nghiên cứu của Deloitte cho biết khoảng 30% công ty ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ vỡ nợ nếu giá dầu ở mức 35 USD một thùng.
Không chỉ Mỹ, toàn bộ công ty dầu lớn trên thế giới đều chịu đòn giáng mạnh trong quý II. Saudi Aramco – hãng dầu mỏ quốc doanh của Arab Saudi công bố lợi nhuận giảm 73,4% so với năm ngoái. “Thế giới chưa từng trải qua sự kiện nào như cuộc khủng hoảng Covid-19. Chúng tôi đang thích ứng với môi trường kinh doanh phức tạp, đang thay đổi rất nhanh hiện tại”, CEO Saudi Aramco Amin Nasser cho biết trong một thông báo khi đó.
Hãng dầu khí BP (Anh) cũng thông báo giảm cổ tức lần đầu tiên trong một thập kỷ sau khi công bố lỗ kỷ lục 6,7 tỷ USD trong quý II. Royal Dutch Shell hồi tháng 4 cũng lần đầu giảm cổ tức kể từ Đại chiến Thế giới II.
Ngoài doanh nghiệp, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã đốt lượng ngoại hối kỷ lục năm nay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Họ thậm chí phải nâng gấp 3 thuế VAT và ngừng trợ cấp chi phí sinh hoạt cho công chức.
Dù vậy, giá dầu giảm lại là cơ hội cho các hãng săn M&A giá rẻ. Tại Mỹ, hàng loạt thương vụ mua bán – sáp nhập tỷ USD đã được công bố chỉ trong vài tháng cuối năm. Trong đó, nổi bật là thương vụ Chevron mua Noble Energy với giá 13 tỷ USD, tính cả nợ.
Những tháng cuối năm, giá dầu tăng dần nhờ kỳ vọng vào vaccine Covid-19. Hiện tại, giá dầu WTI xoay quanh 48 USD một thùng, nhưng vẫn thấp hơn 14% so với đầu năm. Dầu Brent hiện giao dịch tại 51 USD, giảm 15%.
Triển vọng sắp tới của dầu mỏ cũng không mấy sáng sủa. Trong báo cáo tháng này, IEA nhận định “nhu cầu dầu thế giới sẽ vẫn yếu trong ngắn hạn”. Tổ chức này dự báo nhu cầu dầu giảm 8,8 triệu thùng một ngày năm nay. Sang năm tới, tăng trưởng nhu cầu mỗi ngày cũng bị hạ xuống còn 5,7 triệu thùng một ngày, chủ yếu vì nhu cầu nhiên liệu máy bay năm sau vẫn yếu.
BP thậm chí cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh năm 2019 và sẽ không bao giờ hồi phục về mức trước đại dịch. Báo cáo thường niên về tương lai năng lượng của hãng cho rằng dầu mỏ sẽ dần được thay thế bằng những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo được như gió, mặt trời và thủy điện.
Theo VNEXPRESS