Cuộc chiến sống còn trên "đất" truyền hình giải trí – nhìn từ YanTV và Yeah1

Cùng trang lứa với khoảng 10 năm tuổi đời, trong khi YanTV vừa thông báo đóng cửa vào đầu quý 2 thì Yeah1 lại tuyên bố sẽ sớm chào sàn HOSE ngay trong năm 2018, thậm chí còn hướng đến thị trường niêm yết trong tương lai.

Miếng bánh béo bở nhưng không dành cho tất cả!

Ngày nay, đời sống người dân được cải thiện dẫn đến nhu cầu giải trí không chỉ được chú trọng mà dự báo ngày càng tăng cao. Kéo theo đó, kinh doanh truyền hình giải trí trở thành một lĩnh vực tương đối năng động, nhằm đáp ứng nhu cầu của hầu hết tầng lớp độc giả, đặc biệt nổi cộm lên là tầng lớp người trẻ tuổi. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện có rất nhiều kênh truyền hình truyền thống với đa dạng các thể loại trình chiếu như phim, âm nhạc, thời trang, mua sắm… Không chỉ vậy, truyền hình thông qua Internet cũng đang trên đà phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp đang ngày càng bùng nổ, nhiều nhà đầu tư theo đó sớm nắm bắt xu hướng đã chi mạnh tay vào mảng này.

Miếng bánh thị trường béo bở là vậy, nhưng cuộc chơi gần như không phải dành cho tất cả; khi mà mới đây, kênh truyền hình giành cho giới trẻ thịnh hành một thời – YanTV – chính thức chia tay sau 10 năm phát sóng. Chỉ vài ngày sau, đơn vị cùng ngành là Yeah1 lại rục rịch kế hoạch niêm yết lên sàn nhằm thu hút mạnh nguồn vốn, đưa tên tuổi ra công chúng. Thậm chí, đại diện Yeah1 còn cho biết đã, đang và sẽ đưa Công ty ra thị trường nước ngoài, nơi mà ngành truyền thông giải trí được định giá với PE khá cao, đạt từ 50-80 lần. Tên tuổi liên quan còn có VTVcab cũng vừa thông qua kế hoạch IPO với giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng/cp.

Cuộc chiến sống còn trên đất truyền hình giải trí - nhìn từ YanTV và Yeah1 - Ảnh 1.

Logo VTVcab, Yeah1 và YanTV.

YanTV lụi tàn vì kém sắc, thiếu vốn hay cả hai?

Nói về YanTV, đầu tháng 4/2018 khi thông tin chính thức dừng sản xuất trên đài truyền hình được công bố đã khiến nhiều khán giả trẻ đi từ bất ngờ đến nuối tiếc. Bởi, YanTV từng là kênh truyền hình đặc biệt dành riêng cho teen đã để lại nhiều thành tích và gắn bó trong suốt chặng đường hoạt động của mình.

Chính thức ra mắt vào ngày 16/6/2009 với nội dung phát sóng chủ yếu là mảng âm nhạc (60%), giải trí (40%), YanTV nhanh chóng tạo tiếng vang và được đón nhận bởi đa số độc giả. Trong suốt 10 năm hoạt động, YanTV đã phục vụ nhiều chương trình hấp dẫn như: Yan Around, Rock on Yan, Yan Live, Yan Vpop 20, Chỉ có thể là Yan, Ghế đỏ, We 10…

Đối với giới nghệ sĩ, YanTV không chỉ là vàng nôi “thổi bay” nhiều tên tuổi, mà còn là “gia đình” nơi quy tụ đông đảo nhân vật nổi tiếng hoạt động tại đây. Thông qua YanTV, nhiều gương mặt trẻ như Quang Bảo, MLee, Sĩ Thanh, Ngọc Trai… được giới trẻ biết đến và yêu thích. Ngoài ra, YanTV còn được tham gia bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Isaac 365, Gil Lê, Ngọc Trai, Kim Nhã, Sĩ Thanh… cũng từng đảm nhận vai trò VJ và được khán giả xem đài rất mến ngộ.

Hiện, thay thế YanTV là một kênh truyền hình hoàn toàn mới mang tên UNI Channel chuyên phát nhạc có bản quyền.

Cuộc chiến sống còn trên đất truyền hình giải trí - nhìn từ YanTV và Yeah1 - Ảnh 2.

Isaac và Gil Lê dẫn dắt trong một chương trình của YanTV.

Liên quan đến nguyên nhân thất bại, hầu hết báo giới dẫn tin là do YanTV không còn tạo được tiếng vang hay sức hút đến giới trẻ. Hơn nữa, kết cuộc này còn được nhiều người dự đoán trước khi thời gian gần đây, các chương trình của đài này cũng đã ngừng sản xuất, chỉ phát sóng cầm chừng một số chương trình âm nhạc nước ngoài trước khi bị thay thế khỏi hệ thống truyền hình cáp SCTV.

Còn theo chia sẻ của một nam VJ thì anh không hề bất ngờ trước sự việc này, vì bản thân đã biết cách đây nửa tháng, đồng thời lời đồn đoán YanTV đóng cửa cũng rò rỉ cách đây 2 năm. Lúc bấy giờ, nhiều nghệ sĩ đã bắt đầu thất vọng và có quyết định kết thúc hợp đồng làm việc tại YanTV.

Mặt khác, nếu nhìn theo góc đầu tư, sự kém sắc của YanTV xuất phát từ việc thiếu vốn xoay sở, khi chi phí mua sóng vô cùng đắt đỏ, phí sản xuất tương ứng ở mức cao nhưng rating thu về thì quá thấp. Không phủ nhận YanTV vẫn có một vài chương trình gây dấu ấn, nhưng bấy nhiêu đó được nhận định “làm sao nuôi sống nổi cả một kênh truyền hình, bị đóng cửa cũng là điều dễ hiểu”. Một bạn đọc cũng bình luận về sự thất bại của YanTV như sau:

Cuộc chiến sống còn trên đất truyền hình giải trí - nhìn từ YanTV và Yeah1 - Ảnh 3.

Đồng tình với quan điểm chi phí bỏ ra cho kênh truyền hình truyền thống không hề rẻ, đại diện Yeah1 cho biết đây cũng chính là lý do toàn ngành đang có sự chuyển hướng, trong đó phát triển mạnh kênh Internet và giảm dần độ phủ kênh truyền thống.

“Kênh truyền thống không thể nói là đi xuống, vì nó mang một số ý nghĩa không thể thay thế. Do đó, chỉ có thể dùng từ ngành truyền hình đang chuyển hóa sang kênh Internet, bên cạnh nền tẳng vững chắc từ kênh truyền thống”, vị này nói thêm.

Yeah1 sẽ đẩy mạnh mảng Internet, kế hoạch đóng góp 75% tổng doanh thu 2018

Do đó, Yeah1 đang được vận hành với chủ trương theo dòng chuyển hướng của thị trường, tức phát triển mạnh vào kênh Internet; tuy nhiên Công ty vẫn sẽ duy trì thị phần hiện có tại kênh truyền thống. Kết thúc năm 2018, Yeah1 đặt mục tiêu doanh thu thuần 1,600 tỷ đồng, tăng 90% so năm 2017. Trong đó, 25% nguồn thu sẽ đến từ mảng Media truyền thống, 75% còn lại được đóng góp từ Internet với 25% kênh Youtube và 50% thuộc về một hệ thống khá mới của Tập đoàn – mảng Non-Youtube.

Về Non-youte, kênh này cho phép quảng cáo trên cả Website, App và Gameonline, được Tập đoàn chính thức đầu tư năm 2017 thông qua việc mua lại 76% cổ phần Công ty Netlink. Đây là chiến lược kinh doanh dài hạn của Công ty nhằm đi theo xu hướng chung phát triển kênh truyền thông Internet, giảm dần kênh truyền thống nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành.

Cùng với đó, Công ty cũng sẽ đầu tư mạnh vào hệ thống Digital, dự kiến chi 70-80% nguồn vốn tăng thêm trong năm 2018 cho mảng này, mục tiêu mang về nguồn lợi chủ chốt trong tương lai. Thậm chí, Yeah1 đang có “tham vọng” sẽ đưa mảng này niêm yết ra thị trường nước ngoài trong khoảng 2 năm tới. Bởi, Digital đang được đánh giá rất tiềm năng ở sân chơi ngoại, đặc biệt tại sàn chứng khoán Thái Lan, những công ty tương đương Yeah1 đang được định giá ở mức P/E rất cao trên 50 lần, thậm chí đến 80 lần.

Bất cập từ dòng tiền

Không dừng lại tại chi phí vận hành kênh truyền hình cao, một bất cập khác đối với kinh doanh lĩnh vực này là tình trạng bị chiếm dụng vốn. Tức ghi nhận doanh thu đó, tuy nhiên trên thực tế Công ty thường chỉ ghi nhận tại các khoản mục phải thu, dẫn đến dòng tiền trên báo cáo vô cùng thấp, không cân xứng với mức doanh thu năm.

Điển hình tại Yeah1, doanh thu năm 2017 của Công ty ghi nhận tăng đột biến lên 851,6 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng hơn 5 lần lên 82 tỷ đồng, kết quả này có được nhờ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm các mặt mua bán và sáp nhập. Tuy nhiên, đi cùng với chỉ tiêu kinh doanh là những con số phải thu, hàng tồn kho cũng tăng cao tương ứng.

Tại thời điểm 31/12/2017, Yeah 1 ghi nhận tài sản ngắn hạn tăng đáng kể lên 435,6 tỷ, trong đó tiền mặt chỉ đạt 42 tỷ đồng, hàng tồn kho đạt giá trị gần gấp đôi – 75 tỷ. Chưa kể, đà tăng tài sản ngắn hạn chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với tỷ trọng 57% cùng với mức tăng hơn 41% lên 249 tỷ đồng. Mặt khác, tài sản dài hạn tăng mạnh lên 222 tỷ cùng phần lớn đến từ mức tăng gần 4 lần của khoản phải thu dài hạn, cùng với đó Yeah1 có ghi nhận khoản lợi thế thương mại 109 tỷ từ 3 thương vụ M&A trong năm 2017.

Cuộc chiến sống còn trên đất truyền hình giải trí - nhìn từ YanTV và Yeah1 - Ảnh 4.

Tổng hợp từ BCTC Yeah1 năm 2017.

Có thể thấy, Yeah1 mặc dù ghi nhận tăng trưởng song thực tế đang bị chiếm dụng vốn khá lớn. Trả lời vấn đề này, đại diện Công ty cho biết đây là điều không quá xa lạ đối với đặc điểm hợp đồng trong lĩnh vực truyền hình. Và để cân đối nguồn vốn hoạt động, Công ty bên cạnh việc dùng các khoản phải thu để bảo đảm các khoản vay, còn tăng cường thu hút vốn đầu tư bên ngoài cùng một số công tác khác nhằm xoay chuyển dòng tiền.

Điều này được biết không phải đơn vị nào cũng có thể làm tốt, nhiều tên tuổi đã thất bại cũng từ nguyên nhân không kịp đối ứng nguồn vốn.

Một nội dung đáng quan tâm khác, Yeah1 kế hoạch sẽ tiến hành lưu ký và đăng ký niêm yết trên HOSE, thời gian dự kiến là tháng 6-8/2018. Đồng thời, để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn, Yeah1 sẽ tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Bảo An

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…