COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?
Virus có thể bắt nguồn từ động vật nhưng theo giáo sư Andrew Cickyham từ Hiệp hội Động vật học London, con người đã khiến chúng ‘nhảy loài’ và lây lan mầm bệnh.
Năm 2020 khởi đầu bằng thông báo về ca bệnh đầu tiên do loài virus mới gây ra tại Trung Quốc. Trong vòng 3 tháng tiếp theo, cả thế giới rơi vào cảnh “sống trong sợ hãi” vì dịch bệnh mới.
Trong khi các chuyên gia y tế bước vào cuộc chiến cứu chữa bệnh nhân thì các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về loài virus corona chủng mới gây dịch bệnh COVID-19.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn virus corona chủng mới có nguồn gốc từ đâu và sẽ chỉ có thể chứng minh nguồn gốc của nó nếu họ phân lập được virus sống trong một loài bị nghi ngờ.
Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ loài dơi dẫn đến những câu hỏi quan trọng về cách mà loài virus này lây sang con người. Tại sao virus mới lại lây lan cho cả thế giới loài người từ một loài động vật vốn dĩ không gần gũi với con người?
Các nhà khoa học tin rằng cách đối xử của con người với môi trường sống tự nhiên, cùng việc số lượng lớn người di chuyển nhanh trên Trái đất đã cho phép những virus tiềm tàng trong tự nhiên ‘nhảy loài’ và lây lan nhanh chóng (‘nhảy loài’ là từ để chỉ virus từ loài này lan sang một loài khác, ví dụ từ lợn sang người, từ chuột sang người, hoặc từ dơi sang người…).
Dơi là loài động vật đặc biệt. Chúng là loài có vú duy nhất biết bay nên có thể lây lan bệnh cho một cộng đồng loài dơi, động vật bị chúng hút máu và cả con người trên một khu vực rộng.
Thân nhiệt loài dơi thường lên cao mỗi khi chúng bay. Một con dơi sẽ bay ít nhất hai lần trong một ngày nên chúng có một hệ thống miễn dịch đặc biệt. Mầm bệnh trong cơ thể loài dơi cũng sẽ tiến hóa theo để thích nghi được với hệ miễn dịch đó.
“Xét trên người thì sốt về bản chất là một cơ chế phòng vệ của cơ thể nhằm tăng nhiệt độ để tiêu diệt virus xâm nhập. Nhưng loại virus mới đã tiến hóa và chịu được nhiệt độ cao trong một con dơi có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cơ thể cao hơn”, giáo sư Andrew Cickyham tại Hiệp hội Động vật học London (Anh) trả lời đài CNN ngày 20-3.
Điều này cũng sẽ loại bỏ những đánh giá ban đầu rằng virus corona chủng mới sẽ không lây lan và phát triển ở những nơi có khí hậu nóng ấm.
Nhưng tại sao virus lại lây truyền từ động vật sang người? Câu trả lời, theo giáo sư Cickyham, là sự “nhảy loài” của virus và nó bắt đầu từ chính những hành động của chúng ta.
Dơi nói riêng và động vật nói chung luôn có nhiều mầm bệnh. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong cơ thể dơi có thể có tới hơn 500 loại virus corona.
Khi loài dơi hoặc bất kỳ động vật nào rơi vào hoàn cảnh bị căng thẳng do bị săn bắn, hoặc môi trường sống bị phá hủy do nạn phá rừng thì hệ thống miễn dịch sẽ bị thay đổi và khó đối phó với mầm bệnh mà nó đã mang trên mình, các bệnh nhiễm trùng nhanh chóng gia tăng. Mầm bệnh cũng theo đó tiến hóa hơn và tìm vật chủ mới.
“Chúng ta đang áp dụng nhiều hoạt động cứu chữa, nhân giống động vật bằng cách cho chúng thuốc và thực phẩm. Nhưng chúng ta cũng đang hủy hoại môi trường sống của chúng thành những cảnh quan nhân tạo. Động vật luôn bị con người làm cho căng thẳng” – Kate Jones, trưởng khoa sinh thái và đa dạng sinh học tại Đại học College London, cho biết.
Chợ động vật tại Vũ Hán (Trung Quốc) là một nơi khiến các loài động vật gặp nhiều tình huống căng thẳng nhất khi rất nhiều loài bị bắt nhốt và chứng kiến cảnh đồng loại bị giết thịt. Con người và nhiều loài động vật tại khu chợ này tiếp xúc gần trong thời gian dài là điều kiện để virus nhảy loài và phát tán nhanh.
Bên cạnh đó, việc di chuyển phát triển là yếu tố then chốt khiến mầm bệnh lây lan trên quy mô rộng cả thế giới chỉ trong vài tuần lễ.
Trong lịch sử loài người từng xuất hiện mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người nhưng do phương tiện giao thông chưa phát triển nên một người nhiễm bệnh có thể đã chết hoặc tự phục hồi trước khi tiếp xúc với người khác.
Nhưng thế kỷ 21 thì khác, con người di chuyển trên nhiều phương tiện giao thông cơ giới và máy bay nên ngày hôm nay người nhiễm bệnh ở một vùng hoang vắng của châu Phi sẽ ở giữa châu Âu hoặc châu Á vào ngày hôm sau.
Theo giáo sư Andrew Cickyham và Kate Jones, có hai bài học mà nhân loại phải rút ra trong thực tiễn hôm nay. Đó là: dơi không phải là “kẻ có tội” khi bệnh dịch xảy ra và phải nhìn lại cách chúng ta đối xử với môi trường. Trên thực tế, nghiên cứu về loài dơi và cách cơ thể chúng đối phó với virus có thể mở ra hướng để ngăn chặn dịch bệnh.
Cuối cùng, COVID-19 là bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi đầu tiên rằng thiệt hại môi trường cũng có thể giết chết con người nhanh chóng. Và những dịch bệnh như COVID-19 có thể xuất hiện nhiều hơn, tồn tại và tiến hóa cùng với tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Chúng có thể nguy hại và ngày càng khó kiểm soát hơn nếu con người không thay đổi hành vi của mình.
Chúng ta đang gánh hậu quả khi biến một khu rừng thành trang trại nông nghiệp mà không cần hiểu tác động của khí hậu, tăng lượng khí carbon, nguy cơ lũ lụt, phát sinh dịch bệnh.
Việc thay đổi cách đối xử với môi trường sẽ đơn giản và rẻ hơn so với việc đổ hàng tỉ USD để tìm ra loại văcxin cho mỗi loại virus mới.
Theo Tuổi trẻ online