Covid-19 có thể đẩy nhà máy nước ngoài khỏi Trung Quốc

Hai tuần qua, ba trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố hoặc thảo luận kế hoạch rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Khi Covid-19 bùng phát buộc Trung Quốc áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa hàng loạt nhà máy, thế giới bỗng nhận ra rằng họ dễ tổn thương như thế nào khi chuỗi cung ứng từ nước này đột ngột gián đoạn, đặc biệt là trong lĩnh vực vật tư y tế và thiết bị bảo hộ. Kể từ đó, ngày càng nhiều quốc gia tìm cách “dụ” nhà máy sản xuất của mình rời công xưởng Trung Quốc.

Ngày 22/4, ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan cho biết khối sẽ tìm cách “giảm bớt sự phụ thuộc về thương mại” sau đại dịch. 

Tuần trước, Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để chào mời các nhà sản xuất nước này chuyển dây chuyền từ Trung Quốc về nước hoặc sang Đông Nam Á. Trước đó, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow đề xuất Washington trả chi phí cho các công ty Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước.

Một số công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã rục rịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí ngày càng tăng và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Họ đang đứng trước sức ép ngày càng tăng để thúc đẩy chiến lược này, khi Covid-19 làm nổi bật sự phụ thuộc của các nước vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là vật tư y tế quan trọng. 

Michael Alkire, chủ tịch nhà cung cấp vật tư y tế Premier, đã xác định 22 mặt hàng quần áo bảo hộ và 30 loại thuốc trọng yếu “cần được sản xuất tại Mỹ”. Nhiều loại đang được sản xuất tại Trung Quốc, nơi thống trị thị trường đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và dược phẩm, cũng như nhiều lĩnh vực khác.

“Chi phí sản xuất một chiếc khẩu trang N95 ở nước ngoài trước khi xảy ra đại dịch là khoảng 30 cent so với 34-36 cent khi sản xuất trong nước”, Alkire nói. “Sẽ có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau dịch”.

Nhân viên tại một nhà máy sản xuất LED ở Quảng Đông, Trung Quốc ngày 15/4.

Scott Paul, chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, nói rằng ý tưởng này đang nhận được nhiều sự ủng hộ không chỉ ở những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. “Xu hướng này sẽ tăng tốc. Chắc chắn các công ty sẽ chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang những nơi khác, nhưng không nhất thiết phải là Mỹ”, Paul nói.

Trong khi Mỹ – Trung vốn đã hục hặc, quan hệ với Nhật – Trung thời gian gần đây ấm lên. Do vậy, gói kích thích rút doanh nghiệp của Nhật “đã khơi dậy tranh luận lớn trong giới chính trị Trung Quốc”, theo Nikkei Asia Review.

Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, cho rằng những tuyên bố gần đây của các nước khác không đặt ra mối đe dọa cận kề cho Trung Quốc nhưng chúng có thể là thách thức nghiêm trọng về lâu dài. “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 buộc các công ty nước ngoài phải tìm nhà cung cấp ở trong nước, tình trạng thiếu hụt PPE khiến họ hối tiếc vì đã chuyển hết sản xuất ra nước ngoài”, Li nói. 

Dịch khởi phát từ Trung Quốc nên đây là nơi đầu tiên hứng chịu tác động nhân đạo và kinh tế. Nhưng điều đó cũng có nghĩa họ là nước đầu tiên phục hồi sau dịch và đã xuất hàng tỷ khẩu trang và các loại PPE ra toàn cầu, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về chất lượng. 70% khẩu trang bảo hộ được sử dụng ở Mỹ do Trung Quốc sản xuất. Lượng lớn thuốc ở Mỹ cũng được sản xuất ở Trung Quốc.

Mong muốn giảm phụ thuộc vào thuốc men và vật tư Trung Quốc là một phần của nỗi lo rộng hơn về sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Một loạt dự luật đã được đưa ra tại quốc hội Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tháng trước, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đề xuất dự luật yêu cầu Mỹ giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ từ ba thượng nghị sĩ Dân chủ. Thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là vấn đề hiếm hoi hai chính đảng Mỹ có cùng quan điểm.

“Ngay khi đất nước hồi phục sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chúng ta phải thực hiện các bước để giải quyết lỗ hổng hệ thống và rủi ro chuỗi cung ứng mà Covid-19 đã phơi bày”, Rubio nói. “Thật không may, phải đến khi một đại dịch toàn cầu xảy ra, chúng ta mới nhận thấy hậu quả của việc chuyển các cơ sở công nghiệp sang những nước như Trung Quốc”. 

Tháng trước, thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cũng đề xuất dự luật cấm sử dụng ngân sách liên bang tài trợ cho các loại thuốc hay thành phần dược phẩm Trung Quốc và siết chặt quy định về ghi nhãn mác xuất xứ.

Tổng thống Trump gần đây kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các công ty Mỹ tăng cường sản xuất vật tư, thiết bị y tế. Giới phân tích đánh giá động thái này có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất trong nước một số mặt hàng trong dài hạn.

Xu hướng này nhiều khả năng nhận được thêm ủng hộ khi công chúng ngày càng bất bình về cách Trung Quốc xử lý Covid-19. Trong cuộc khảo sát tháng trước của công ty tư vấn và phân tích của Mỹ Gallup, chỉ 33% số người Mỹ được hỏi có quan điểm tích cực về Trung Quốc, mức thấp nhất trong 20 năm. Một số nguồn tin cho biết một vài nhân viên y tế Mỹ tức giận khi được cung cấp đồ bảo hộ do Trung Quốc sản xuất. 

Năm 2019, lượng hàng Mỹ nhập từ 14 quốc gia châu Á đã giảm xuống còn 757 tỷ USD từ 816 tỷ USD năm 2018. Nguyên nhân là nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 17% trong chiến tranh thương mại. Nhưng điều này không có nghĩa là các công ty sẽ quay trở lại Mỹ. Thay vào đó, họ chuyển sang các quốc gia như Mexico và các nước châu Á khác để lấp đầy khoảng trống.

Tuy nhiên, đối với vật tư y tế, gần như chắc chắn Mỹ sẽ có chương trình hồi hương dây chuyền sản xuất mặt hàng thiết yếu. Không ai muốn tình cảnh đã xảy ra trong Covid-19 lặp lại. 

Nhưng với các loại hàng hóa khác, nhiều người trong giới kinh doanh cho rằng không nên gắn chính trị với kinh tế, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng tăng cao. Mats Harborn, giám đốc điều hành chi nhánh Trung Quốc của hãng sản xuất xe Thụy Điển Scania cho biết “có rất nhiều cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng và đa dạng hóa, nhưng không ai bàn luận về hồi hương dây chuyền sản xuất”.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải thực hiện trong tháng này cho thấy 70% doanh nghiệp được hỏi không nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do Covid-19. 

Nhiều công ty muốn ở lại Trung Quốc để kinh doanh trong thị trường nội địa 1,4 tỷ người tiêu dùng, trong khi những bên khác cảm thấy khó có thể từ bỏ nền tảng sản xuất và hậu cần đẳng cấp thế giới mà Trung Quốc đã xây dựng trong 30 năm qua. Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy ở nơi khác để xuất khẩu, nhưng vẫn duy trì cơ sở ở Trung Quốc để kinh doanh tại nước này.

“Chúng tôi đã nghe ý kiến của Larry Kudlow về việc trả tiền cho công ty Mỹ hồi hương dây chuyền sản xuất, nhưng chúng tôi thấy đề xuất này không chỉ đơn giản được thúc đẩy bằng nhu cầu thị trường”, Ker Gibbs, chủ tịch của AmCham Thượng Hải, nói. “Chuyển một công ty từ Trung Quốc sang Mỹ không đơn giản như xách vali và đi. Đó là một quá trình rất phức tạp”.

Mỹ đang tập trung chống dịch và có thể còn lâu nữa họ mới có thể vạch ra chương trình rõ ràng nhằm khuyến khích doanh nghiệp rời Trung Quốc về nước. Hơn 26 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi đại dịch bùng lên, khiến các bang chịu ảnh hưởng nặng về tài chính.

“Cung cấp ưu đãi giữa lúc khủng hoảng đang ăn mòn ngân sách không phải là một lựa chọn tốt”, quan chức một bang ở Mỹ nói.

Theo Vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *