Container phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu sẽ bị buộc tái xuất
Trước tình trạng hàng ngàn container phế liệu vô chủ tồn đọng tại các cảng biển trên địa bàn Tp.HCM gây ùn tắc và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, Cục Hải quan Tp.HCM và một số đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường, Tổng cục Hải quan đã cùng ngồi lại với nhau để bàn phương án giải phóng các container này.
Ông Lê Văn Triến – Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan Tp.HCM) cho biết tính đến ngày 10/6 có khoảng 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển Tp.HCM, trong đó có: 2.255 container tồn đọng quá 90 ngày (tại cảng Cát Lái 2.181 container; cảng VICT 36 container; các cảng Phước Long, Thủ Đức 38 container); 965 container tồn đọng từ 30 đến 90 ngày (cảng Cát Lái có 945 container; cảng VICT và cảng Bến Nghé có 20 container). Đặc biệt các container tồn đọng với số lượng lớn tại tại cảng Cát Lái gây ùn tắc cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước thực trạng phế liệu nhập khẩu về cảng gia tăng, ngày từ những tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Cục Hải quan Tp.HCM đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát, làm thủ tục đúng quy định đối với hàng phế liệu nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định về xử lý hàng tồn đọng theo Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời thành lập tổ chuyên trách theo dõi việc làm thủ tục hàng phế liệu và xử lý hàng tồn đọng phế liệu.
Đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết sở dĩ tình trạng container phế liệu tồn đọng tại Việt Nam gia tăng mạnh là do từ đầu năm 2018 Trung Quốc đã có lệnh cấm, ngăn chặn nhập 24 mặt hàng phế liệu vào nước này, trong đó có hai loại phế liệu mà Việt Nam cũng đang nhập khẩu về để tái chế là phế liệu nhựa và giấy.
Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan đã thống nhất sẽ ưu tiên xử lý những container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày.Theo đó, Cục Hải quan Tp.HCM sẽ chỉ đạo chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu, thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định. Những container hàng phế liệu nào đạt tiêu chuẩn để làm nguyên liệu sản xuất, tái chế sẽ cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan đưa về sản xuất, hoặc tổ chức bán thanh lý cho các cơ sở đủ điều kiện tái chế. Các lô hàng kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu phế liệu và yêu cầu về môi trường sẽ xử lý theo phương án buộc tái xuất.
Ngoài việc tìm được phương án giải phóng các container tồn đọng quá 90 ngày, các cơ quan liên quan cũng đã thống nhất một số phương án cấp bách để quản lý các container. Cụ thể cơ quan cấp phép thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường sẽ cung cấp cho Cục Hải quan Tp.HCM danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu để đơn vị này đối chiếu với số lượng phế liệu nhập khẩu về các cảng. Theo kết quả đối chiếu, nếu trùng khớp số liệu thì sẽ mời doanh nghiệp lên làm việc, giải quyết làm thủ tục nhận hàng; nếu không đủ điều kiện sẽ xử lý ngay, không chờ đến thời hạn quá 90 ngày kể từ ngày cập cảng theo quy định nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng container phế liệu càng sớm càng tốt.
Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan cũng thống nhất sắp tới sẽ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các hãng vận chuyển phải kiểm tra giấy phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu trước khi đồng ý đưa container phế liệu chở về Việt Nam; tránh tình trạng hàng lậu, hàng vô chủ vào Việt Nam.
Theo : Nguyễn Cường
Cherry Media – https://bizc.vn