Công ty công nghệ Trung Quốc loay hoay giải bài toán Ấn Độ
Các doanh nghiệp công nghệ bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị Trung – Ấn, trong đó người thiệt hại nhiều hơn là những công ty Trung Quốc.
Căng thẳng địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng đáng kể từ tháng 6, khi những cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước leo thang. Trên mặt trận kinh doanh, một cuộc chiến không kém cũng nổ ra. Ấn Độ đã cấm các ứng dụng của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Bytedance, Alibaba hay Tencent, đồng thời hạn chế nhà sản xuất thiết bị viễn thông có liên quan tới Huawei tham gia vào mạng 5G của Ấn Độ.
Hai nước đã giảm bớt căng thẳng quân sự vào tháng 9, nhưng điều đó không mang lại sự xoa dịu cho các doanh nghiệp vướng vào tranh chấp. Ứng dụng quốc tế của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, vẫn bị cấm ở Ấn Độ. Và tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này đẩy các công ty Trung Quốc, vốn đã rót nhiều tiền vào thị trường Ấn Độ, vào thế khó.
Áp lực đến với các công ty hoạt động tại cả hai quốc gia, nhưng giới phân tích cho rằng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc – những đơn vị đang cố giành lấy một phần miếng bánh trong thị trường Internet phát triển với tốc độ bùng nổ như Ấn Độ.
Ấn Độ hiện có gần 750 triệu người dùng Internet, gấp đôi so với năm 2016. Atlas VPN, một công ty nghiên cứu thị trường, ước tính Ấn Độ sẽ có 1 tỷ người dùng Internet vào năm 2025. Không thể tham gia thị trường này đồng nghĩa với các công ty Trung Quốc đứng bên ngoài “nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2050 và thị trường có lượng người dùng Internet lớn thứ hai thế giới”, Shirley Yu, nghiên cứu sinh tại Trường Kinh tế London cho biết.
TikTok của ByteDance đã mất 200 triệu người dùng Ấn Độ khi bị cấm từ cuối tháng 6, con số gấp đôi lượng người dùng ứng dụng này tại Mỹ. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh vẫn chưa kiếm được tiền từ thị trường Ấn Độ, nhưng đã chi ra rất nhiều vào việc thiết lập và mở rộng mạng lưới.
“Và bây giờ họ chỉ có thể đứng nhìn các ứng dụng phiên bản địa phương chiếm lấy thị trường và không thể làm gì cả”, Greg Paull, đứng đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường R3.
ByteDance và các công ty công nghệ khác cũng cần dữ liệu từ thị trường Ấn Độ để xây dựng các sản phẩm tốt hơn. Người dùng Internet của Ấn Độ đa dạng về mặt nhân khẩu học và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, khiến dữ liệu từ thị trường này được đánh giá cao, theo Gateway House, một công ty tư vấn chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Sundar Pichai, CEO của Google cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào đầu năm nay rằng những nỗ lực của tập đoàn này tại Ấn Độ “đã giúp hiểu sâu hơn về cách công nghệ có thể hữu ích với tất cả các tầng lớp, cộng đồng khác nhau”.
“Việc xây dựng sản phẩm cho Ấn Độ trước tiên đã giúp chúng tôi làm ra các sản phẩm tốt hơn cho người dùng ở khắp mọi nơi”, Blaise Fernandes, Giám đốc điều hành Gateway House, đánh giá. Các ứng dụng cần nhiều dữ liệu cập nhật để giữ cho các thuật toán mang tính cạnh tranh. Chuyên gia này dự đoán rằng việc mất lượng dữ liệu khổng lồ từ Ấn Độ sẽ cản trở sự phát triển của các ứng dụng Trung Quốc đối với thị trường toàn cầu.
“Chiến lược toàn cầu của các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị tác động”, Abishur Prakash, đồng sáng lập của Center for Innovating the Future, một công ty tư vấn về công nghệ và chính trị, đánh giá. Các công ty Trung Quốc từng dựa vào Ấn Độ để xây dựng và thử nghiệm các sản phẩm mới, nhưng giờ đây những kế hoạch đó rơi vào tình thế nguy hiểm.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm của riêng họ, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Ấn Độ, rót khoảng 4 tỷ USD vào lĩnh vực này kể từ năm 2015. Nhưng các quy định thắt chặt đầu tư nước ngoài của Ấn Độ có thể hạn chế khả năng kiếm tiền của Trung Quốc trong bối cảnh bùng nổ Internet của nước này.
Vào tháng 4, chính phủ Ấn Độ cho biết đang thực hiện các bước để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nước này thông báo rằng các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. “Động thái này cho thấy Ấn Độ muốn kiểm soát cẩn thận dòng đầu tư và tài sản của Trung Quốc”, Sukanti Ghosh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Albright Stonebridge, có trụ sở tại Washington nhận xét.
Reuters trích dẫn bốn nguồn tin cho biết, Ant Group đang cân nhắc việc bán 30% cổ phần của mình trong One97, công ty mẹ của ví tiền số Paytm, vì căng thẳng gia tăng và bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn. Cả hai doanh nghiệp này sau đó đều phủ nhận thông tin từ Reuters. Paytm cho biết trong một tuyên bố rằng thông tin này là sai sự thật và gây hiểu lầm.
Nếu các công ty Trung Quốc rút khỏi thị trường Ân Độ vì lo ngại căng thẳng địa chính trị, các chuyên gia cho rằng thiệt hại với quốc gia này là việc bỏ lỡ những bước tiến nhanh hơn về công nghệ.
“Trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại. Tencent là nhà đầu tư chiến lược lớn nhất trong thế giới khởi nghiệp của Ấn Độ. Trong khi đó, Xiaomi đã rót gần 500 triệu USD vào thị trường này chỉ trong một năm”, Prakash cho biết. “Rõ ràng, các công ty công nghệ Trung Quốc đang bơm một lượng tiền mặt khổng lồ vào nền kinh tế Ấn Độ”.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã đầu tư rất nhiều để xây dựng các nhà máy ở Ấn Độ và cho đến nay đã tạo ra việc làm cho khoảng 50.000 người. Tâm lý chống Trung Quốc và những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc có thể khiến những hoạt động của Xiaomi gặp rủi ro.
Tuy nhiên, Fernandes, thuộc Gateway House, nói rằng các công ty công nghệ khác cũng đang gấp rút vào cuộc để lấp đầy khoảng trống mà các nhà đầu tư Trung Quốc để lại. Vì thế, chuyên gia này dự đoán, Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng trong dài hạn.
Theo VNEXPRESS