Công Nghiệp Chế Biến Chế Tạo – Động Lực Chính Cho Phát Triển Kinh Tế

11 tháng năm 2019, công nghiệp Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt 9,3%; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là “điểm sáng” của ngành với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6%. Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của công nghiệp chế biến chế tạo được thể hiện đặc biệt rõ nét trên 3 khía cạnh: tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực.

Dấu ấn lần đầu tiên xuất siêu

Mặc dù kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng chậm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 dự kiến vẫn tăng trưởng khoảng 7,8%, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới, và khu vực (Thái Lan tăng 4%, Malaysia giảm 1,8%, Indonesia giảm 5,7%), trong đó đặc biệt nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,8%. Đóng góp vào sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu là từ các ngành: sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%). Các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như: gỗ và đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, dây cáp điện, đồ chơi và dụng cụ thể thao… đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam trên trường thế giới.

Theo ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp chế biến chế tạo được xem là điểm sáng của công nghiệp Việt Nam trong năm 2019 bởi đây là năm đầu tiên ngành này có xuất siêu với khoảng 100 triệu USD. Mặc dù con số này không lớn nhưng lại là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy những chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển công nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Tháng 12/2019 cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe ô tô nguyên chiếc khi Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippin. Công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới với tổng vốn đạt gần 31,8 tỉ USD; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,56 tỉ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng kí.

Tháng 12/2019 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe ô tô nguyên chiếc khi Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippin

Cần sự trợ lực cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn

Đối với một nước đang trong quá trình công nghiệp hoá như Việt Nam, công nghiệp chế biến chế tạo được xem là động lực chính cho phát triển kinh tế. Kinh nghiệm các nước cho thấy, trong thời kỳ công nghiệp hoá, công nghiệp chế biến chế tạo luôn phải duy trì mức đóng góp trong GDP từ 20-30% trở lên. Tại Việt Nam, thời gian qua ngành này đã có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đã tăng từ 13% năm 2010 lên 16% năm 2018. Từ 2015 đến nay, công nghiệp chế biến chế tạo luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm công nghiệp và vào các nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực sang các ngành có giá trị cao hơn, và lên nấc thang giá trị cao hơn của chuỗi giá trị.

Dự báo năm 2020 kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi và cơ hội tăng trưởng tích cực. Để công nghiệp chế biến chế tạo tiếp đà tăng trưởng, bên cạnh việc tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào công nghiệp, cần có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách thuế, chính sách tín dụng ưu đãi cho dệt may, da giày, ô tô, cơ khí, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Đồng thời cũng cần có các chính sách, giải pháp để tiếp tục thu hút đầu tư nhằm tận dụng sự dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng. Kinh nghiệm từ các nước thành công trong việc thoát bẫy thu nhập trung bình cho thấy, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ (như ở Hàn Quốc, Đài Loan những năm 1960) không dàn trải mà phải lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm trọng tâm, gắn với việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Còn theo Cục trưởng Trương Thanh Hoài, để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam phát triển rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có triển vọng về phát triển công nghiệp. “Bên cạnh việc tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội vào công nghiệp thì cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo phát triển, đặc biệt là theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước” – ông Hoài khuyến nghị

Trong thành công của ngành công nghiệp nói chung – công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng không thể không kể đến vai trò quan trọng của Bộ Công Thương trong triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí trọng điểm, ô tô, công nghiệp hỗ trợ…Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số giải pháp về thuế, tài chính và đặc biệt là các giải pháp về tài chính. Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực rất hạn chế trong việc đổi mới, sáng tạo, nên các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các đối tượng vừa và nhỏ vay để thực hiện các việc đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất rất là quan trọng.

Xuân Vinh

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *