Cổ phiếu ‘kẹt đường’

Trong suốt giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh, hàng ngày cứ sau 13h30, các lệnh mua bán trên HoSE chậm lại, ngắc ngư, thậm chí không khớp.

Bảng điện tử HoSE có lúc ì ra, lâu lâu mới thấy nháy lên đơn độc một vài cổ phiếu khớp lệnh. Phiên sáng nay (18/2), khi thị trường lao dốc sau ATO, tình trạng khó giao dịch xảy ra khi lực cầu bắt đáy tăng nhanh ở vùng giá thấp. Đến giữa phiên chiều, khi thanh khoản sàn HoSE lên gần 15.000 tỷ đồng, tình trạng nghẽn lại xảy ra.

Đầu tháng 2, do một tỷ lệ nhà đầu tư nghỉ Tết sớm, giá trị giao dịch khớp lệnh (không tính giao dịch thoả thuận) trên HoSE đã giảm, dao động 10.000 – 12.000 tỷ đồng/ngày, nên lệnh vào sàn được khớp nhanh hơn, nhà đầu tư có thể nhìn thấy ngay kết quả mua bán. Phiên cận kề phiên cuối của năm Canh Tý, một nhân viên môi giới nhiều thâm niên tại một công ty chứng khoán qui mô nhất nhì thị trường dự báo: “Bữa nay chắc giá trị giao dịch tầm 10.000 tỷ đồng, đường sẽ thông hè sẽ thoáng”.

Người dân giao dịch chứng khoán tại một trụ sở trên đường Pasteur, quận 1, ngày 13/1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tuy nhiên dự báo của môi giới này bị đảo lộn. Hôm ấy thị trường giảm điểm, cả hai bên mua và bán đều vào lệnh quyết liệt, giá trị giao dịch vọt lên hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 50% so với phiên trước. Gần một tiếng trước khi kết thúc phiên, hiện tượng “rùa bò” nhìn thấy rõ trên bảng điện tử. Ba lệnh đặt mua một cổ phiếu bất động sản của môi giới này đều không khớp. Anh thực hiện lệnh sửa, rồi huỷ để mua cổ phiếu khác cũng không xong.

Ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách hội đồng quản trị HoSE, cho biết công suất xử lý tối đa của sàn TP HCM theo thiết kế là 900.000 lệnh một ngày. Mỗi công ty chứng khoán được phân bổ đều nhau 3.000 lệnh dự trữ một ngày (hiện có 74/105 công ty chứng khoán thành viên còn hoạt động). Phần còn lại được phân bổ dựa trên số lượng lệnh bình quân của từng công ty trong vòng giao dịch, chẳng hạn, 30 ngày gần nhất. Do số lượng lệnh bình quân của mỗi thành viên khác nhau, nên các công ty chứng khoán có thị phần lớn được phân bổ nhiều và ngược lại.

Năm ngoái và đầu năm nay, giá trị giao dịch cổ phiếu ở HoSE bình quân 4.000 – 5.000 tỷ đồng một ngày, đến tháng 12/2020 tăng lên 14.000 tỷ đồng. Công suất xử lý lệnh thiết kế được xài tối đa. Hình dung HoSE như một sân vận động khổng lồ có sức chứa 900.000 người. Trước đây nhà đầu tư ít, lệnh mua bán ít, ai cũng mua được vé vào sân thoải mái trong suốt trận đấu. Hiện nay nhà đầu tư tham gia thị trường tăng mạnh, lệnh mua bán nhiều, ban tổ chức chỉ bán 900.000 vé (chưa kể số vé dự phòng sự cố bất thường), ai mua trước vào sân, ai đến sau, hết vé, khỏi xem.

Thế là đầu ngày, nhà đầu tư tranh nhau đặt lệnh giao dịch cổ phiếu. Trong giới hạn công suất, lệnh vào bao nhiêu, hệ thống xử lý bấy nhiêu. Hết công suất, hệ thống ngưng, không xử lý được nữa. Lệnh vào sau “nằm chơi” đấy.

Nếu hết phiên sáng mà giá trị giao dịch trên HoSE chạm 13.000 tỷ đồng trở lên, buổi chiều chắc chắn sẽ nghẽn lệnh. Giá trị giao dịch khớp lệnh tối đa của HoSE hiện quanh 17.000 tỷ đồng một ngày. Tốc độ khớp lệnh càng nhanh, giá trị khớp lệnh đạt mức này càng sớm, thời gian còn lại nghẽn lệnh càng nhiều.

Số lượng người tham gia đầu tư cổ phiếu tiếp tục tăng. Tháng 1/2021 hơn 86.200 tài khoản chứng khoán mới được mở, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên 2,85 triệu, tương đương 3% dân số. 3% là mức thấp trong khu vực. Ở Hàn Quốc, 30% dân số có tài khoản chứng khoán; Trung Quốc 15%. Tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán của các quốc gia ASEAN đều cao gấp đôi, gấp ba Việt Nam. Trong tương lai gần tỷ lệ người dân Việt có tài khoản chứng khoán sẽ còn tăng.

HoSE đã chuẩn bị thay hệ thống mới với vốn đầu tư 30 triệu USD. Hệ thống mới sử dụng cho cả sàn TP HCM, sàn Hà Nội và Trung tâm Lưu ký. Vì Covid-19, việc thay hệ thống mới bị đình trệ, nhanh nhất cũng phải quí ba năm nay mới vận hành. Từ nay đến lúc đó giao dịch cổ phiếu cứ “kẹt đường” sao?

Đầu tháng 1/2021, HoSE áp dụng tăng lô cổ phiếu tối thiểu từ 10 lên 100 đơn vị/lệnh, giá trị giao dịch từ mức 14.000 tỷ đồng là nghẽn nay lên 17.000 tỷ đồng mới nghẽn. Theo giới tài chính, có hai giải pháp mang tính tạm thời cho đến khi HoSE có hệ thống mới.

Thứ nhất tăng lô cổ phiếu tối thiểu lần nữa từ 100 lên 1.000 đơn vị/lệnh. Đại diện HoSE tính toán sự tăng lô này có thể giảm được 30-40% số lệnh vào sàn tức tăng thêm chừng đó thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu. Cái khó là nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ cần nhiều tiền hơn để đặt mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu/lệnh. Với những cổ phiếu thị giá thấp thì không thành vấn đề. Nhưng với những cổ phiếu có thị giá bằng hoặc lớn hơn 100.000 đồng, để mua 1.000 cổ phiếu/lệnh nhà đầu tư phải có trong tài khoản trên 100 triệu đồng. Chưa kể nhà đầu tư nếu dự định mua 1.000 cổ phiếu, sẽ mua mỗi lần 200-300 đơn vị để còn đảm bảo mua được giá bình quân mong muốn, hạn chế rủi ro. Nay mua ngay 1.000 cổ phiếu, là phải tính toán kỹ.

Ông Lê Hải Trà nói lô 1.000 cổ phiếu thực ra không hoàn toàn tiêu cực. Thay bằng tự đầu tư, cạnh tranh với các tổ chức, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua chứng chỉ quỹ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp quản lý quỹ phát triển mà nước ta đang rất cần. Nhìn ra bên ngoài Singapore, năm 2015 mới chuyển lô cổ phiếu từ 1.000 về 100, Nhật Bản năm 2018 mới thống nhất lô về 100 đơn vị từ nhiều mức khác nhau, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang áp dụng lô 1.000 đơn vị.

Giải pháp tạm thời thứ hai là tăng bước giá cổ phiếu. Mấy năm trước khi thị trường trầm lắng, cơ quan quản lý chứng khoán quyết định chia nhỏ bước giá để nhà đầu tư với số vốn rất nhỏ cũng có thể tham gia. Nay khi cổ phiếu “kẹt đường”, họ nâng bước giá trở lại. Thí dụ thị giá cổ phiếu ABC đang là 13.000 đồng, bước giá hiện tại là 50 đồng: 13.500 – 13.550 – 13.600 đồng…. nâng bước giá lên 100 đồng: 13.500 – 13.600 – 13.700… Theo HoSE, nâng bước giá có thể tăng thanh khoản sàn TPHCM thêm 15-20%.

Như vậy kết hợp hai giải pháp tạm thời kể trên có thể giúp tăng thanh khoản HoSE khoảng 50%, nghĩa là có khả năng giá trị giao dịch đạt 30.000 tỷ đồng một ngày. Lúc đó chúng ta có thể đánh giá chính xác hơn, đầy đủ hơn về tốc độ phát triển của chứng khoán cũng như việc huy động nguồn lực trong dân.

Cũng có ý kiến rằng nếu cứ để tình trạng “kẹt đường” cổ phiếu tiếp diễn, chi bằng rút ngắn thời gian giao dịch, gói gọn trong buổi sáng để đỡ tốn kém thì giờ, công sức của nhà đầu tư, của xã hội. Nhưng mất bao nhiêu năm Việt Nam mới có được qui mô thị trường như hiện nay, đây được xem là “bước lùi”.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…