Cổ phiếu giảm 35% bất chấp thị trường đi lên, điều gì đang diễn ra với "ông vua" ngành xây dựng Coteccons?
Mặc dù vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội trong ngành xây dựng nhưng hiệu quả kinh doanh của Coteccons đang giảm sút rất nhanh.
Nhắc đến thị trường trong giai đoạn cuối năm 2017 – đầu 2018, ấn tượng đấu tiên phải kể tới nhóm tài chính – ngân hàng, nhưng nhóm thứ hai phải nhắc tên những cổ phiếu Bluechip. Dòng tiền đổ mạnh vào những nhóm cổ phiếu này không chỉ đưa VN-Index lần lượt vượt các mốc quan trọng như 1.000, 1.100 rồi 1.140 điểm, mà còn có khả năng vượt qua mức đỉnh cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, trong cuộc vui không phải ai cũng có phần.
Đồng hành cùng thị trường tới đầu tháng 11/2017, cổ phiếu CTD của Coteccons sau đó lại đi ngược hoàn toàn với diễn biến chung. Thay vì liên tục phá ngưỡng kháng cự mạnh như VN-Index, cổ phiếu CTD chuyển thành “phá” các ngưỡng hỗ trợ. Chỉ hơn 4 tháng, cổ phiếu này đã ghi nhận mức giảm gần 35%, từ mức đỉnh 240.000 đồng về 160.000 đồng. Trong 6 phiên gần nhất, CTD đã mất gần 20.000 đồng xét về thị giá. Điều gì đang diễn ra với cổ phiếu của doanh nghiệp đứng đầu về xây dựng này?
Biến động giá cổ phiếu Coteccons trong 1 năm
Đà giảm của CTD, thực tế, bắt đầu từ nửa cuối tháng 1/2018, sau 2 lần cố gắng trở lại trong tháng 12/2017. Nguyên nhân chính kéo giá cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành về xây dựng lao dốc một cách dứt khoát là những số liệu từ BCTC năm được công bố, trong đó biên lợi nhuận và nhiều vấn đề về tài chính khiến những nhà đầu tư vào cổ phiếu này lo ngại về triển vọng trong tương lai.
Cuối tháng 1, nhiều công ty chứng khoán đã công bố BCTC nhận định về triển vọng không mấy tích cực của CTD sau những số liệu tài chính đã công bố. “Lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp Q4/2017 thấp kỷ lục” – tiêu đề báo cáo của ACBS về Coteccons, đồng thời công ty chứng khoán này quyết định hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ. Khi đó cổ phiếu CTD còn 191.000 đồng.
Lập luận của ACBS xuất phát từ KQKD trong quý cuối cùng của năm 2017 khi doanh thu thuần của CTD đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 22% nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, không tăng trưởng. Trong đó biên lợi nhuận gộp của CTD trong giai đoạn này đạt mức thấp kỷ lục 6,4%.
Nguyên nhân chính, theo ACBS, là do giá nguyên liệu tăng, một số dự án ký mới với các khách hàng trung thành có biên lợi nhuận thấp (khoảng 6%) và việc ghi nhận một số dự án bị đẩy sang năm 2018. Trong số những nguyên nhân này, hai yếu tố sau đóng vai trò chính khiến biện lợi nhuận gộp của CTD giảm mạnh. Kết quả này cũng kéo biên lợi nhuận gộp năm 2017 của CTD chỉ còn 7,4%, giảm 1,3% so với năm 2016.
Cùng quan điểm này, VCSC cho rằng Backlog xây dựng của CTD ổn định nhưng bị giá vật liệu xây dựng tăng làm ảnh hưởng. “CTD đạt tăng trưởng doanh thu mạnh 22% trong Quý 4/2017 lên 9.000 tỷ đồng nhờ backlog xây dựng cao. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm xuống 6,4% trong Quý 4/2017 từ 8% trong 9 tháng đầu năm và 8,3% trong Quý 4/2016 vì giá thép tăng 5% trong Quý 4 và 20% tính chung cả năm 2017”, báo cáo của VCSC viết.
Vấn đề xa hơn là nhiều công ty chứng khoán trong dự phóng về KQKD của CTD cho rằng biên lợi nhuận của công ty sẽ tiếp tục giảm trong 2 năm tới và chỉ phục hồi vào năm 2020. ACBS dự báo biên lợi nhuận gộp của CTD sẽ giảm về 7% năm 2018 và 6,7% vào năm 2019. Lợi nhuận theo đó sẽ đạt đỉnh vào năm nay và lần đầu ghi nhận sụt giảm vào năm sau.
Ngoài vấn đề này, phải thu ngắn hạn tăng nhanh cũng đang dấy lên nhiều lo ngại. “Phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh gần 1.900 tỷ đồng trong quý IV/2017 và 2.800 tỷ trong năm 2017”, báo cáo ACBS viết. Một trong những khoản phải thu lớn có liên quan là của CTCP May Diêm Sài Gòn – chủ đầu tư của dự án chung cư The Goldview với tổng giá trị hợp đồng 3.000 tỷ đồng.
Dù được Coteccons đánh giá không đáng lo ngại và ACBS cũng cho rằng ko đáng ngại, tuy nhiên việc này có thể tạo tiền lệ cho những năm sau, khi trước đó khoản mục này của công ty chưa bao giờ tăng quá 800 tỷ đồng/ năm.
Theo Trí thức trẻ