Có nhất thiết phải "ăn miếng trả miếng" với đồng Nhân dân tệ?
Diễn biến tỷ gía tăng thời gian qua làm gợi nhớ cách đây 3 năm, khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ khoảng 4,6% thì Việt nam cũng “đáp trả tương xứng”.
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây VND đã giảm giá khoảng 2% so với USD và tỷ giá vẫn đang trong xu thế tăng. Nguyên nhân chính là do đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 6% so với đô la Mỹ trong cùng giai đoạn.
Diễn biến này gợi nhớ lại thời điểm gần 3 năm về trước, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khoảng 4,6% chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 8 năm 2015), thì Việt Nam cũng “đáp trả tương xứng” vào các ngày 12/8 và 19/8.
Sự phản ứng nói trên xuất phát từ nỗi lo hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam và khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng khi nhân dân tệ giảm giá so với tiền đồng. Tuy nhiên, các số liệu lại kể một câu chuyện khác.
Đồ thị ở trên và bảng số liệu ở dưới cho thấy trong giai đoạn 2008-2016 tiền đồng càng mất giá mạnh so với nhân dân tệ (tính trung bình cả năm), thì tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới càng cao, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cao tương ứng.
Đặc biệt, trong các năm 2008, 2010 và 2011 khi tiền đồng giảm giá hơn 10% so với nhân dân tệ, thì xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới đã tăng trên/dưới 30%/năm, đồng thời tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đạt mức hơn 20%/năm.
Tuy nhiên, khi tiền đồng tăng giá hơn 5% so với nhân dân tệ trong năm 2016 do Trung Quốc phá giá mạnh (hơn 6%), còn Việt Nam chỉ phá giá nhẹ (hơn 1%), thì nhập khẩu từ Trung Quốc không những không tăng, mà còn giảm 6%. Đồng thời xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng tới 59% trong năm 2016, và do đó, nhập siêu từ Trung Quốc cũng giảm từ mức gần 33 tỷ USD năm 2015 xuống còn hơn 20 tỷ USD năm 2016.
Như vậy, khi nhân dân tệ giảm giá so với tiền đồng trong năm 2016 hàng Trung Quốc đã không tràn sang Việt Nam như lo ngại. Ngược lại, hàng Việt Nam lại tràn sang Trung Quốc.
Tại sao lại như vậy?
Có thể giải thích là mặc dù khi tiền đồng giảm giá so với nhân dân tệ trong giai đoạn 2008-2015 (vì CNY lên giá so với USD còn VND giảm giá so với USD), hàng Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn và đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh, nhưng do tốc độ tăng công suất của nền kinh tế chỉ ở mức thấp (khoảng 6-7%/năm trong giai đoạn 2008-2016 nếu lấy tốc độ tăng trưởng GDP hoặc sản lượng công nghiệp làm thước đo), Việt Nam không đủ sức để đáp ứng tất cả các đơn hàng có tốc độ tăng trung bình tới 17%/năm. Bởi vậy, Việt Nam phải tăng nhập khẩu từ Trung Quốc (nguyên vật liệu hoặc hàng hoá tiêu dùng cuối cùng).
Nói cách khác, khi tốc độ tăng xuất khẩu đã ở mức cao so với năng lực sản xuất của nền kinh tế, lợi ích thu được từ việc phá giá tiền tệ để tăng xuất khẩu nhiều hơn nữa sẽ không lớn. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quá cao và kéo dài cũng góp phần giải thích tại sao hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong hàng xuất khẩu lại thấp.
Nhưng khi đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với tiền đồng trong năm 2016, hàng Trung Quốc trở nên có tính cạnh tranh hơn và Trung Quốc đã tự xuất khẩu một phần hàng hoá của mình mà không cần “nhờ” đến Việt Nam. Chính vì vậy, nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm. Tất nhiên, khi Trung Quốc tự xuất khẩu hàng hoá của mình, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam cũng giảm theo.
Câu hỏi đặt ra là trong sự sụt giảm xuất khẩu tổng thể của Việt Nam khi đồng nhân dân tệ giảm giá so với tiền đồng thì có bao nhiêu phần là hàng hoá Việt Nam tự sản xuất ra (cho dù là nhập nguyên liệu rồi gia công) và bao nhiêu phần là hàng hoá Việt Nam trước đây xuất khẩu hộ Trung Quốc (nhập khẩu – dán nhãn mác – xuất khẩu)?
Rõ ràng là nếu sự sụt giảm xuất khẩu tổng thể chỉ liên quan chủ yếu đến các hàng hoá Việt Nam xuất khẩu hộ Trung Quốc, thì việc phản ứng đối với xu hướng đồng nhân dân tệ giảm giá theo kiểu “ăn miếng trả miếng” là không thực sự cần thiết.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]