Có ngăn được nợ xấu khi cấm ‘sếp’ nhà băng nhận môi giới hoa hồng?
Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng lo ngại, cảnh báo về sự “giúp đỡ” của nhân viên ngân hàng để những thương vụ cho vay cả trăm tỷ đồng diễn ra chóng vánh, thẩm định qua loa dẫn đến nợ xấu.
Sếp ngân hàng không được nhận môi giới hoa hồng
Năm 2017, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với tổ chức tìn dụng (TCTD), chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 26/3 tới đây.
Theo đó, Thông tư số 16/2018 hướng dẫn một số điều liên quan chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) quy định một số khoản chi.
Cụ thể, hoa hồng môi giới để chi cho bên thứ ba (làm trung gian), không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các chức danh quản lý, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên nhận hoa hồng môi giới, trong đó phải có các nội dung cơ bản gồm: tên của bên nhận hoa hồng; nội dung chi; mức chi; phương thức thanh toán; thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên.
Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): mức chi môi giới để cho thuê mỗi tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản đó do môi giới mang lại trong năm.
Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: mức chi hoa hồng môi giới bán mỗi tài sản thế chấp, cầm cố của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản đó qua môi giới.
Để việc chi hoa hồng được áp dụng một cách công khai và thống nhất, Thông tư yêu cầu Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành quy chế chi hoa hồng môi giới.
Ảnh minh hoạ
Đối với các bất động sản tổ chức tín dụng nắm giữ tạm thời để bán, chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn trong thời hạn 03 năm, tổ chức tín dụng không hạch toán tăng tài sản, không trích khấu hao.
Đối với các bất động sản được tổ chức tín dụng mua lại để phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, tổ chức tín dụng hạch toán tăng tài sản, trích khấu hao theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo giới hạn đầu tư mua sắm tài sản cố định theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với tổ chức tín dụng; không vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Có ngăn được nợ xấu?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã từng trao đổi với báo chí về vấn đề này. Theo ông, thời điểm này mới “cấm” cán bộ, nhiên viên ngân hàng nhận môi giới hoa hồng là muộn, lẽ ra phải làm rất lâu rồi. Nếu cứ để tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng nhận tiền môi giới hoa hồng sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cho ngành tài chính ngân hàng và các thành phần kinh tế.
Tiến sĩ Hiếu chỉ ra: “Thực tế, thời gian qua ở nước ta có hiện tượng cán bộ, nhân viên ngân hàng dưới chỉ tiêu, áp lực kinh doanh đã làm hồ sơ giả, khâu thẩm định còn lỏng lẻo, qua loa, gian dối. Ví dụ tài sản của khách hàng được cán bộ, nhân viên ngân hàng tiến hành thẩm định đã định giá quá cao so với giá trị thực tế nhằm mục đích để khách hàng có thể vay được nhiều tiền từ ngân hàng. Và tất nhiên, khi khách hàng vay được tiền từ ngân hàng chắc chắn sẽ chi một khoản cho cán bộ, nhân viên ngân hàng đó xem như một khoản để bồi dưỡng, cảm ơn. Rõ ràng điều đó tạo ra sự “xung đột về quyền lợi”, hậu quả là trong những năm vừa qua ngành ngân hàng gánh chịu không biết bao nhiêu là thiệt hại, tình hình nợ xấu tăng cao.
Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước phải mua một số ngân hàng với giá 0 đồng thì đâu đó có bóng dáng của vấn đề “xung đột về quyền lợi” trên”.
Lý giải và phân tích sự “xung đột về quyền lợi”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Cán bộ, nhân viên của ngân hàng nhận được thù lao, tiền môi giới từ khách hàng là điều rất bất hợp lý.
Tiền thù lao, tiền môi giới chỉ áp dụng đối với cộng tác viên hay công ty tư vấn bên ngoài, họ là những người mang lại cơ hội kinh doanh cho ngân hàng như tìm người vay, khách hàng huy động vốn vào ngân hàng. Nhưng với điều kiện cộng tác viên không phải là cán bộ, nhân viên của ngân hàng.
Khoản tiền hoa hồng chi cho môi giới (bên trung gian thứ ba) là chế độ theo thông lệ quốc tế. Như bên Mỹ chẳng hạn, ngân hàng nước họ cũng trả cho bên trung gian một khoản hoa hồng nếu họ đem về cho ngân hàng nguồn vốn huy động nào đó. Và điều này là hoàn toàn được luật pháp cho phép. Nhưng không một ngân hàng nào được phép trả tiền hoa hồng cho nhân viên, cán bộ ngân hàng của mình.
Những người này sẽ không bị xung đột về quyền lợi, bởi họ chỉ có chức năng là môi giới, còn hai bên làm ăn như thế nào họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra khoản vay trở thành nợ xấu hay huy động vốn xảy ra sự cố như trường hợp khách hàng gửi 245 tỷ đồng tại Eximbank vừa qua”.
Vấn đề này cũng đã được nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng lo ngại và cảnh báo về sự “giúp đỡ” của cán bộ, nhân viên ngân hàng để những thương vụ cho vay cả trăm tỷ đồng diễn ra chóng vánh, thẩm định qua loa dẫn đến những khoản nợ xấu “khủng” khó thu hồi.
Theo Mai An
Theo An Ninh Tiền Tệ