Cổ đông Maritime Bank bức xúc vì 6 năm không có cổ tức

Hội đồng quản trị Maritime Bank đề xuất không chia cổ tức năm 2017 dù trước đó đã thông qua kế hoạch cổ tức tỷ lệ 5%.

Phiên họp thường niên năm 2018 hôm nay (30/5) của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) kéo dài tới gần 13h. Dù thời lượng trả lời chất vấn đã vượt quá khung dự kiến, các cổ đông vẫn liên tiếp muốn ý kiến, trong đó, việc 6 năm không chia cổ tức là câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất.

Phiên họp thường niên năm 2018 của Maritime Bank diễn ra trong không khí căng thẳng.

Phiên họp thường niên năm 2018 của Maritime Bank. Ảnh: Minh Sơn.

Một cổ đông hưu trí gần 70 tuổi mua cổ phiếu từ năm 2008 cho biết rất bức xúc khi không nhận được cổ tức từ năm 2012 đến nay. Bà nói, hơn 400 triệu đồng mua cổ phiếu Maritime Bank cách đây 10 năm là khoản tiền tích góp trong những năm làm việc trước đó, nhưng giờ “cổ phiếu thì không bán được, cổ tức thì không có”.

Trả lời bức xúc của các cổ đông, ông Trần Xuân Quảng, Phó chủ tịch thường trực Maritime Bank cho biết, nhà băng này đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án chia cổ tức nhiều lần nhưng không được phê duyệt. Việc này xuất phát từ yêu cầu dành nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu và chuẩn bị cho việc niêm yết của Maritime Bank trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, câu trả lời này vẫn chưa thỏa mãn được các cổ đông, những “người chủ” của ngân hàng liên tục đứng lên ngắt lời ban lãnh đạo. Thậm chí một số cổ đông kêu gọi không bỏ phiếu và rời đại hội, khi cho rằng “lợi ích của cổ đông thiểu số tại Maritime Bank không được đảm bảo”.

Một cổ đông khác cho rằng phần lợi nhuận chưa phân phối tính tới cuối năm 2017 hơn 1.150 tỷ đồng là quá nhiều so với quy mô vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi đó, phiên họp thường niên cách đây một năm đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 5% nhưng đến nay lại không chia.

Trước những ý kiến gay gắt của các cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch Trần Anh Tuấn đã lên tiếng và cho biết việc không chia cổ tức là do chưa nhận được sự chấp thuận, trong khi ngân hàng có đủ nguồn lực để thực hiện. “Chúng tôi cũng là những cổ đông, cũng muốn chia cổ tức. Ngân hàng còn hơn nghìn tỷ lợi nhuận chưa phân phối nhưng trình phương án chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu đều không được thông qua”, Chủ tịch Maritime Bank cho biết.

Để trấn an các cổ đông, ông Tuấn cho biết sẽ đề xuất thêm tờ trình vào chương trình họp hôm nay về việc sẽ tiếp tục xin ý kiến chia cổ tức. Trong trường hợp không được chấp thuận, Maritime Bank sẽ đề xuất phương án mua lại cổ phiếu quỹ với giá mua bằng giá thị trường hiện tại cộng thêm với tỷ lệ cổ tức 5%.

Tuy nhiên Chủ tịch nhà băng này cũng khuyên các nhà đầu tư nên suy nghĩ về quyết định bán cổ phiếu. “Nhiều nhà đầu tư ngoại sau khi tìm hiểu Maritime Bank đã định giá cổ phiếu ngân hàng ở mức 27.000-28.000 đồng với giao dịch thiểu số và trên 35.000 đồng nếu là cổ đông chiến lược. Như vậy sau khi lên sàn chứng khoán, mức lợi nhuận với các cổ đông sẽ rất cao”, ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài vấn đề cổ tức, kết quả kinh doanh và hoạt động của Maritime Bank cũng nhận được nhiều ý kiến chất vấn. Năm 2017, Maritime Bank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 164 tỷ đồng, chỉ tăng chưa tới 400 triệu đồng so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm khoảng 12,8% so với năm 2016, xuống còn hơn 122 tỷ đồng.

Một cổ đông đặt câu hỏi về khoản mục tiền gửi khách hàng tại Martime Bank sụt giảm trong năm 2017 và yêu cầu ban lãnh đạo giải thích lý do.

Tổng giám đốc Huỳnh Bửu Quang cho biết việc sụt giảm là do ngân hàng cơ cấu lại việc cấp tín dụng và từ đó thay đổi cơ cấu vốn. Kết quả kinh doanh của Maritime Bank trong năm 2017 đến từ hai cấu phần chính là đầu tư vào trái phiếu chính phủ và tăng dư nợ cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng này đã điều chỉnh về phân khúc khách hàng khi ngừng cho vay một số nhóm sản phẩm rủi ro cho khách hàng cá nhân. Điều này dẫn tới việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn, giảm dần tỷ trọng vốn dài hạn trên tổng vốn huy động để giảm chi phí vốn.

Tuy nhiên một cổ đông khác cho rằng nếu hoạt động tốt và ổn định tại sao Maritime Bank phải trích dự phòng rủi ro nhiều như vậy.

Theo đại diện ngân hàng, Maritime Bank phải thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý một số khoản nợ xấu tồn đọng nên phải trích lập dự phòng. Tình hình gần đây đã được cải thiện, tuy nhiên việc trích lập dự phòng định tính và định lượng vẫn phải tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tài chính.

Về kế hoạch năm nay, ngân hàng này đặt kế hoạch tăng tổng tài sản 3%, dư nợ tín dụng tăng 13%, lợi nhuận trước thuế tăng 18%. Maritime Bank đề xuất trả thù lao 18 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2017.

Cũng tại cuộc họp, ông Trần Xuân Quảng, Phó chủ tịch thường trực Maritime Bank cho biết tại phiên họp năm ngoái có nhắc đến việc hai ngân hàng nhỏ ngỏ ý muốn sáp nhập vào Maritime Bank. Tuy nhiên ban lãnh đạo vẫn trong quá trình xem xét và sẽ trình cổ đông cùng cơ quan quản lý nếu cảm thấy đem lại lợi ích cho ngân hàng.

Khác với năm trước, tờ trình niêm yết cổ phiếu của Maritime Bank lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã được thông qua với tỷ lệ hơn 99%. Cách đây một năm, tờ trình này được đưa ra tại phiên họp thường niên nhưng chỉ có 3% tỷ lệ đồng ý. Theo đại diện ngân hàng, cổ phiếu Maritime Bank dự kiến sẽ niêm yết trên HoSE vào quý I/2019.

Minh Sơn

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…