Chuyển đổi số: Doanh nghiệp phải giữ vai trò tiên phong
Chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Đối với doanh nghiệp (DN), với vai trò là lực lượng xung kích của nền kinh tế nên vấn đề này là sự lựa chọn tất yếu.
Ngày 11/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19”.
Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu đặt câu chuyện chuyển đổi số của DN Việt Nam là trung tâm bàn thảo, để nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của DN theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó kiến nghị các giải pháp giúp DN đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Xu hướng của phát triển
Kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trữ Văn Lâm – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – nhấn mạnh, DN là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Dịch Covid-19 là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. “Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, với vai trò và sứ mệnh của cơ quan báo chí, truyền thông kinh tế sẽ là cầu nối truyền tải thông tin, phải hồi và thúc đẩy phát triển” – ông Lâm cho hay.
Quá trình chuyển đổi số hứa hẹn sẽ giúp các DN giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Nguyễn Minh Vũ – cho rằng, nhiều dự báo đưa ra, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia. Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới; còn khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, song cũng được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.
Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều DN. Là khuyến nghị của các nhà quản lý, chuyên gia tại diễn đàn. Bởi hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng Internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng DN, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các DN phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Đề cập đến chính sách đối ngoại kinh tế của Việt Nam, nhất là với ASEAN, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC – cho biết, ASEAN là đối tác đặc biệt, do đây là khu vực rộng lớn, dân số 650 triệu dân; là thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu 65 tỷ USD. Theo đó, hầu hết đối với các DN Việt Nam, chuỗi giá trị gia tăng không phải chỉ hướng đến thị trường nội địa mà còn hướng tới cả khu vực ASEAN.
Theo ông Đoàn Duy Khương, hiện trong khu vực, liên kết hữu cơ giữa ngành sản xuất công nghiệp với chuyển đổi số vô cùng quan trọng. ASEAN phát triển bền vững thì phải tận dụng chuyển đổi số, gắn kết DN, đặc biệt trong công nghiệp sản xuất. “Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số, DN, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng của khu vực” – ông Khương nhấn mạnh.
Nhận diện và vượt thách thức
Giai đoạn 2015-2019, quy mô thương mại điện tử tăng nhanh với mức tăng trưởng trung bình 30%. Năm 2020 hiện tại vẫn là bí ẩn với nhiều nguồn thông tin khác nhau, song, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương – cho biết, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến đang phát triển rất tốt, nhất là dịch Covid-19 đã tạo ra lượng người tham gia vào thị trường thương mại điện tử rất lớn, người tiêu dùng mua nhiều mặt hàng giá trị lớn mà trước đây họ chưa từng mua trên nền tảng số. Với xu thế phát triển của thương mại điện tử, DN kinh doanh trên lĩnh vực này đang rất lạc quan về tăng trưởng trong năm 2020 và thời gian tới.
Với đà tăng trưởng tích cực của thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay, càng chứng minh chuyển đổi số đang là yếu tố then chốt của nền kinh tế và sự tồn tại, phát triển của mỗi DN, trong các lĩnh vực khác nhau. Thực tế, DN trong nước đã nhận thức rõ xu hướng chuyển đổi số và xem đây là sự lựa chọn tất yếu, tuy nhiên như ông Nguyễn Minh Vũ chỉ ra, thách thức lớn nhất của DN trong việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Trong khi, thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các DN.
Đồng quan điểm, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, cũng cho rằng, chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Song, thách thức hiện nay là thay đổi thói quen. Bên cạnh đó, thách thức nữa là người dân hiểu biết về công nghệ thông tin chưa cao; hệ thống đào tạo công nghệ còn hạn chế.
Theo ông Trương Anh Dũng, rõ ràng chỉ một mình hệ thống giáo dục đào tạo tổ chức vận hành thì khó thành công, nên vai trò của DN công nghệ với thế mạnh của mình sẽ hỗ trợ xây dựng nền tảng hạ tầng, tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực rất cần thiết. Một khó khăn nữa là nguồn lực đầu tư hạn chế để chuyển đổi số của DN. “Tới đây chắc chắn sau chương trình Chuyển đổi số quốc gia thì phải có đề án chiến lược chuyển đổi số cho đào tạo. Chúng ta phải đi theo chiến lược bài bản, cụ thể thế nào thì phải tính toán kỹ” – ông Dũng đề xuất.
Theo Công Thương