Chưa quyết phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực
Ngày 11-6, Bộ Xây dựng cho biết, UBND TP Hà Nội chưa quyết định chọn phương án cho giai đoạn 2 xử lý sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực do tính chất phức tạp của việc phá dỡ.
Theo Bộ Xây dựng, với khối lượng cần phá dỡ lớn, các cơ quan chức năng cần phải thiết kế phương án kỹ thuật đảm bảo việc phá dỡ an toàn cho cư dân sinh sống tại tòa nhà, người dân tham gia giao thông và đảm bảo sự bền vững của công trình.
Cụ thể, trong giai đoạn 2 sẽ phá dỡ phần chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái thay vì lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài). Đồng thời, phá phần xây dựng không thực hiện giật cấp ở đầu hồi phía Đông, theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư đã không tuân thủ để tăng diện tích sàn.
Tại Văn bản số 486 kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội về việc phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm số 8B Lê Trực, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo nêu rõ sai phạm của chủ đầu tư, đề xuất tiến hành phá dỡ theo nguyên tắc “sai đến đâu xử lý đến đó”. Trong trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng từ phần móng thì đề xuất phương án xử lý toàn bộ công trình vi phạm tại 8B Lê Trực.
UBND TP Hà Nội cũng giao UBND quận Ba Đình làm chủ đầu tư thực hiện phá dỡ giai đoạn 2, khẩn trương tổ chức lập biện pháp phá dỡ gửi Sở Xây dựng thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại tòa nhà số 8B Lê Trực hiện không có bất kỳ hoạt động tháo dỡ nào, không có người ra vào, chỉ có 2 nhân viên bảo vệ trực phía ngoài.
Về tòa nhà CT6 xây không phép tại dự án xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội, theo Bộ Xây dựng, dự án này được miễn giấy phép xây dựng vì là “Công trình xây dựng thuộc dự án khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” theo quy định. Việc để chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình sai quy hoạch là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan kiểm điểm và tổ chức rà soát, thu hồi nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định và xử lý các sai phạm theo quy định.
Về xử lý tình trạng vi phạm trật tự vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Xây dựng cho biết Nghị định 139 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng…) có hiệu lực từ 15-1 là cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh các vi phạm. Tất cả các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng như: xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt… sẽ buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 12-6) để hướng dẫn chi tiết về áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng.
Sài Gòn giải phóng
[elementor-template id=”16904″]