Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Căn hộ condotel đang hoạt động rất hợp pháp và không cần điều chỉnh gì nữa
Tính pháp lý cho loại hình căn hộ khách sạn condotel đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, trong khi đại diện Bộ Xây dựng cho rằng “Condotel không phải là nhà ở thì phía bên doanh nghiệp lại khẳng định”Tính pháp ký của Condotel không có gì là mập mờ”.
Bàn về tính pháp lý cho condotel, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cho rằng hiện quy định về condotel đã rất rõ ràng, chứ không phải mập mờ như các chuyên gia, nhà đầu tư thường nói.
Ông Quyết cũng khẳng định: “Căn hộ condotel đang hoạt động rất hợp pháp và không cần điều chỉnh gì nữa. Nếu có điều chỉnh thì quy định rõ ràng hơn trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai bởi vì việc sửa luật không thể làm ngày một, ngày hai, mà có thể mất hàng nghìn ngày… Nếu như vậy thì không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.”.
Do đó, theo ông điều quan trọng cần làm hiện này là thống nhất quản lý trung ương và địa phương để tránh tình trạng mỗi địa phương có một cách hành xử khác nhau với loại hình bất động sản này.
Dưới góc độ một luật sư, ông cho biết, loại hình này nếu không được quy định trong Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai thì vẫn có thể áp dụng theo Bộ Luật dân sự. “Dựa trên Bộ Luật Dân sự thì cứ làm đúng theo thỏa thuận trên hợp đồng. Nếu có tranh chấp thì xử dựa trên thỏa thuận hợp đồng”, ông Quyết lý giải. Ông Quyết cũng khuyên nhà đầu tư để tránh rủi ro thì cần nhìn vào tiềm lực chủ đầu tư, tính khả thi của dự án.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, thị trường không thể chờ pháp luật. Theo ông, pháp luật cần phải đưa ra những hướng dẫn cho người dân dựa trên khung pháp luật hiện hành. “Chúng ta đừng loay hoay về việc định nghĩa tên của hàng hoá. Hãy tư duy bất động sản này để làm gì”, ông Võ nói.
Ông cho rằng, nếu địa phương giao đất vô thời hạn cho doanh nghiệp giống như đất ở thì quá tốt. Chủ đầu tư khi đó có thể bán lại từng phần, từng căn hộ vĩnh viễn như đất ở. Việc giao dịch giữa bên mua và bán được ràng buộc bằng hợp đồng. Như vậy sẽ không có gì phức tạp và cũng không cần phải thảo luận nhiều.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vẫn bảo lưu cho rằng condotel không phải nhà ở: “Chiếu theo quy định hiện hành thì căn hộ condotel không thể coi là nhà ở. Trong tham mưu cho Bộ Xây dựng, đơn vị này đưa ra quan điểm là xác định tính sở hữu dựa trên Luật Đất đai, sở hữu sử dụng đất”.
“Quy định của luật du lịch ra đời, đã được luật hoá và cá nhân tôi cho rằng đây là loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch chứ không phải kinh doanh nhà ở”, ông Khởi khẳng định.
“Nếu không xác định rõ khái niệm này thì năm 2018 sẽ xảy ra nhiều tranh luận gây ra rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức”, ông Khởi nói. Ông Khởi cũng cho biết thêm hiện cơ quan quản lý đã có những báo cáo với Chính phủ về pháp lý của condotel và đang tiếp tục thảo luận xác định quan điểm.
Về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định cần coi condotel là sản phẩm chính thống được mua bán và được cấp đất sử dụng lâu dài. Ông Nam cũng khẳng định Hiệp hội sẽ chuẩn bị văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kiến nghị thống nhất khái niệm, khẳng định bản chất căn hộ du lịch, biệt thự du lịch chính là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng trong các resort.
Có thể nói những tranh cãi về tính pháp lý của căn hộ Condotel vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Trong lúc chờ quyết định chính thức từ cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vẫn ồ ạt xây dựng, bán hàng và cam kết lợi nhuận lớn…trong khi đó nhà đầu tư “nửa mừng nửa lo” bởi không biết kênh đầu tư này có thực sự an toàn hay không?.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ