Chính sách tiền tệ cần có sự “chia lửa”
Trong thời gian tới điều hành CSTT tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và phối hợp nhịp nhàng với các chính sách khác như chính sách tài khoá…
Kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều sức ép, bắt nguồn từ những biến động của kinh tế thế giới. Để hóa giải các áp lực, theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) cần tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và phối hợp nhịp nhàng với các chính sách khác như chính sách tài khoá… để vượt qua các thách thức.
Có thể thấy bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Theo ông, công tác điều hành CSTT của NHNN đã có những đóng góp thế nào vào kết quả chung của nền kinh tế?
Có thể khẳng định, điều hành CSTT đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế như năm 2017 tăng cao đạt 6,81% và 6 tháng đầu năm 2018 kinh tế tăng trưởng ước tăng 7,08% cao nhất trong vòng 10 năm qua. Không chỉ hỗ trợ tăng trưởng ấn tượng, điều hành CSTT vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Rõ ràng việc lạm phát bình quân được kiểm soát dưới 5% trong vòng 5 năm qua, đặc biệt 3 năm liên tiếp trở lại đây lạm phát ở mức dưới 4% là một thành công rất đáng ghi nhận của điều hành CSTT. Ngay cả trong 6 tháng đầu năm thị trường quốc tế có nhiều biến động mạnh, tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng CPI có nhỉnh hơn chút và vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,35% so với cùng kỳ, tạo dư địa tốt cho những điều chỉnh chính sách. Lạm phát cơ bản được kiểm soát như vậy chứng tỏ điều hành CSTT hiệu quả.
Xét trên mọi khía cạnh, có thể khẳng định điều hành CSTT tiếp tục giữ vững trận địa, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện tích cực; xuất siêu, dự trữ ngoại hối đạt ở mức cao. Đặc biệt, nợ xấu ngân hàng tiếp tục được xử lý, quá trình tái cơ cấu các TCTD đã và đang triển khai tích cực theo hướng quyết liệt xử lý ngân hàng yếu kém, đồng thời vẫn giữ được an toàn cho hệ thống ngân hàng nói riêng, hệ thống tài chính quốc gia nói chung.
Thời gian gần đây kinh tế thế giới biến động rất khó lường, bắt nguồn từ động thái thắt chặt tiền tệ của Fed và chính sách thương mại của Mỹ. Theo ông, những thách thức nào đang chờ các nhà điều hành ở phía trước?
Tôi cho rằng, thách thức đầu tiên là giá các mặt hàng xăng dầu, thực phẩm có xu hướng nhích lên nhanh. Đây là hai yếu tố giữ trọng số khá lớn trong rổ CPI, vì vậy nếu không phối hợp điều hành khéo sẽ tạo áp lực lên lạm phát.
Một vấn đề khó khăn nữa đó là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với xu hướng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay lại và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia. Đặc biệt là những nước có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam, chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ. Trong bối cảnh đó, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng nói chung điều hành CSTT nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đầy biến động như hiện nay, CSTT rất cần có sự “chia lửa” mới có thể hóa giải được các áp lực.
Dòng vốn vẫn được định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên |
Vậy theo ông, cần phải làm gì để “chia lửa” đối với CSTT để hóa giải các sức ép và hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho năm nay?
Đó là cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách. Đơn cử như với chính sách tài khoá, cần tiếp tục tiết kiệm chi tiêu ngân sách, giảm chi thường xuyên, đầu tư công giảm bớt gánh nặng cho CSTT. Hay như trong công tác điều hành giá, Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, cũng như tính toán cẩn thận cả về liều lượng cũng như thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Ví dụ, thời điểm lạm phát có dấu hiệu tăng nhanh không được điều chỉnh giá các dịch vụ công.
Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá cũng cần phải rất thận trọng và linh hoạt. Nếu điều chỉnh không khéo dẫn dến lạm phát kép gây khó ổn định kinh tế vĩ mô. Vì sao tôi lưu ý đến linh hoạt trong điều hành tỷ giá, như lý thuyết truyền thống trước đây là phá giá đồng nội tệ hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng thời gian vừa qua đã minh chứng phá giá không phải là yếu tố quyết định đến tăng trưởng xuất khẩu mà sự ổn định tỷ giá vẫn hỗ trợ xuất khẩu tăng, liên tục xuất siêu.
Nhưng theo tôi, yếu tố có thể gây khó khăn nhất trong điều hành CSTT đó là vấn đề tâm lý. Hiện tại, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm dẫn tới yếu tố tâm lý e ngại chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm. NHNN cần hết sức chú ý đến yếu tố tâm lý này và phải là người phát đi những tín hiệu định hướng chính sách cho thị trường.
Như vừa rồi NHNN đã khéo léo trong điều hành chính sách tỷ giá, có lúc chủ động nâng tỷ giá lên có lúc kéo xuống, quan trọng nhất là trong thời điểm thị trường có dấu hiệu căng thẳng NHNN đã có những lời tuyên bố đanh thép đối với thị trường là sẵn sàng bán USD và đủ ngoại tệ cung cấp thị trường đáp ứng nhu cầu cần thiết của quốc gia. Những tuyên bố đó đã trấn an tâm lý thị trường ổn định.
Đó là những kết quả thời gian vừa qua, và tôi cho rằng, trong thời gian tới điều hành CSTT tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và phối hợp nhịp nhàng với các chính sách khác như chính sách tài khoá… sẽ tiếp tục vượt qua được thách thức và đạt được thành công như vài năm trở lại đây.
So với cùng kỳ những năm trước, 6 tháng đầu năm 2018 tín dụng có tăng thấp hơn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và theo ông, có nhất thiết phải sử dụng hết dư địa tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?
Mặc dù tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp hơn cùng kỳ, nhưng kinh tế tăng trưởng cao hơn, thể hiện sự hiệu quả trong sử dụng vốn, đồng thời cho thấy sự chia sẻ của các nguồn vốn khác đối với kênh tín dụng.
Hiện vốn cho nền kinh tế được đáp ứng từ 2 nguồn: tín dụng ngân hàng và thị trường vốn. Thời gian vừa qua, việc huy động vốn trên TTCK không ngừng tăng lên nên vốn hoá trên thị trường này cũng có thay đổi đáng kể. Trước đây, tỷ lệ vốn hóa trên thị trường này chiếm 30-40% GDP, nhưng hiện nay đã tăng lên tới hơn 70% GDP. Khi mức độ vốn hoá trên TTCK tăng lên, việc tín dụng tăng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm cũng là dấu hiệu bình thường.
Tuy nhiên, nếu tín dụng tăng quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, theo tôi, không nên tăng tín dụng quá nhanh nhưng cũng không nên để tín dụng tăng quá thấp mà đòi hỏi sự điều hành linh hoạt, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ mới có thể đạt đúng mục tiêu đề ra.
Tôi tin rằng, với kinh nghiệm điều hành của NHNN trong thời gian qua, cộng thêm bản thân các ngân hàng đã có nhiều bài học rút ra từ tăng trưởng tín dụng nóng, nên thời gian tới đồng vốn tín dụng sẽ tiếp tục được sử dụng hiệu quả hơn, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng
[elementor-template id=”16904″]