Chiêu trò “phù phép” của đại gia Hứa Thị Phấn

Bà Hứa Thị Phấn đã sử dụng phương thức “mua đi bán lại” và thẩm định giá sai quy định để “phù phép”, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên gấp 8 lần giá thị trường.

Ngày 10-5, phiên xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín- TrustBank tiếp tục với nội dung xét hỏi các bị cáo liên quan tới hành vi nâng khống giá, mua đi bán lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM), gây thất thoát 1.105 tỉ đồng cho ngân hàng này.

Nâng khống giá gấp 8 lần

Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch do bà Hứa Thị Phấn đứng tên sở hữu, nhận sang nhượng từ người khác với giá ban đầu hơn 371 tỉ đồng. Năm 2008, bà Phấn chuyển nhượng cho Công ty CP Địa ốc Lam Giang (Công ty Lam Giang) do cháu bà này – Lâm Kim Dũng làm giám đốc với giá hơn 426 tỉ đồng.

Chiêu trò “phù phép” của đại gia Hứa Thị Phấn - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa

Kế đến, bà Phấn đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua đi bán lại, nâng khống giá trị căn nhà lên gấp nhiều lần so với giá thị trường. Bà Phấn chỉ đạo Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín định giá, nâng khống giá trị căn nhà này lên đến 1.268 tỉ đồng (giá thị trường là 154 tỉ đồng) và chỉ đạo HĐQT và Ban Điều hành TrustBank mua căn nhà với giá 1.260 tỉ đồng rồi chiếm đoạt 1.105 tỉ đồng.

Trong quá trình xét xử, dàn lãnh đạo TrustBank liên quan tới việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch gồm ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc) và nhiều thành viên HĐQT khác thừa nhận sai phạm. Các bị cáo này đều khai nhận mình là người đi làm thuê, chịu sự chi phối và thực hiện theo chỉ đạo của “bà trùm” Hứa Thị Phấn. Ngoài ra, Lâm Kim Dũng (giám đốc Công ty Lam Giang) cũng thừa nhận việc ký các hồ sơ, giấy tờ mua bán căn nhà nói trên theo lệnh của bà Phấn.

Hé lộ quy trình “phù phép”

HĐXX cũng đã xét hỏi các bị cáo liên quan tới việc “phù phép” để có thể nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ 154 tỉ đồng (theo hội đồng định giá) lên 1.268 tỉ đồng.

Chiêu trò “phù phép” của đại gia Hứa Thị Phấn - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên tòa

 

Ông Nguyễn Công Tụ (nguyên giám đốc Công ty TrustAsset) khai đươc Hoàng Văn Toàn giới thiệu cho bà Phấn. Ông Tụ thừa nhận là người đại diện công ty ký hợp đồng thẩm định giá số 22 (ngày 27-7-2011) với Công ty TNHH địa ốc Lam Giang (Công ty Lam Giang). Ông cũng là người ký kết luận định giá, ký Chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Ông Tụ thừa nhận việc định giá căn nhà nói trên với giá 1.268 tỉ đồng (gấp 8 lần giá thị trường) là không có cơ sở và theo ý chủ quan. Về vấn đề Công ty TrustAsset cũng không có chức năng thẩm định giá, ông Tụ lý giải do không có chuyên môn nên hiểu lầm giữa định giá và thẩm định giá.

Liên quan đến vấn đề thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, ông Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá của Công ty TrustAsset) cũng thừa nhận sai phạm, lý giải là do cấp trên ép buộc. Ông này khai được ông Tụ giao thẩm định giá căn nhà này theo hợp đồng với Công ty Lam Giang.

Ông cho biết bản thân chỉ được học 1 tháng rưỡi để có chứng chỉ định giá bất động sản, nên hoàn toàn không có chuyên môn về thẩm định giá. Ông Nghiệp cho rằng đã báo cáo với cấp trên về việc bản thân chỉ là định giá viên, không thể thực hiện nhiệm vụ thẩm định nhưng ông Tụ ép thực hiện việc. Do sợ mất việc, bị cáo Nghiệp đã định giá căn nhà theo phương pháp “giá trị thặng dư”. Tuy nhiên, bị cáo Tụ cho rằng không chỉ đạo và không nghe báo cáo từ bị cáo Nghiệp

Hứa Thị Phấn cố tình “Trốn thuế”?

Được triệu tập tới phiên tòa hôm nay, đại diện Chi cục thuế quận 3 – ông Võ Văn Phong khẳng định thu thuế đúng theo quy định pháp luật. Vị này cho biết có 2 cách thu thuế: cách thứ nhất là thu 25% phần giá trị chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn; cách thứ hai là thu 2% tính theo giá trị chuyển nhượng.

Chiêu trò “phù phép” của đại gia Hứa Thị Phấn - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa

Nếu người nộp thuế đề nghị lựa chọn theo cách tính thuế thứ nhất thì phải cung cấp đầy đủ các chứng từ để xác định giá vốn. Trong trường hợp không xác định được giá vốn và không có đề nghị của người nộp thuế, không có đủ căn cứ xác định thì tính theo cách hai.

Đại diện chi cục thuế quận 3 cho biết phía bà Hứa Thị Phấn không cung cấp giấy tờ để tính theo cách thứ nhất nên buộc phải tính theo cách thứ 2. Theo HĐXX, việc Chi cục thuế quận 3 tính theo cách này đã làm lợi cho bị cáo Phấn gần 200 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định, ngày 7-2-2012, bà Hứa Thị Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty Lam Giang với giá 450 tỉ đồng. Khoảng 6 ngày sau, bà này bán lại cho TrustBank với giá 1.268 tỉ đồng. Kết luận Giám định thuế của Bộ Tài chính kết luận số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà bà Phấn kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà này có sai lệch.

Cụ thể, số thuế kê khai chỉ ở mức hơn 25 tỉ đồng, trong khi số thuế TNCN qua giám định là hơn 200 tỉ đồng, chênh lệch gần 180 tỉ đồng. Hành vi này của bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu phạm tội “Trốn thuế”. Thời điểm đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Hành vi của bà Phấn đã bị khởi tố và xử lý hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nên không xem xét xử lý về tội “Trốn thuế”.

Theo Quốc Chiến

Người lao động

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…