Cháy chung cư, cần có kỹ năng gì để sống sót?
Hầu hết các vụ hoả hoạn xảy ra ở các nhà cao tầng khiến nhiều người thiệt mạng là do khói độc, vậy phải xử lý ra sao để sống sót, cầm cự để chờ cứu hộ hoặc tìm đường thoát hiểm cho mình?
Hoả hoạn luôn luôn dình dập ở các toà nhà cao tầng, mới đây đám cháy tại toà nhà 27 tầng tại London (Anh) xảy ra vào khoảng 1h30 sáng (giờ địa phương) đã khiến 12 người thiệt mạng (theo giới chức địa phương).
Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều trường hợp như thế này xảy ra, điển hình như vụ cháy toà nhà ITC khiến 60 người thiệt mạng hay vụ cháy tại chung cư Carina Plaza tại Quận 8 (Tp.HCM) vừa xảy ra cũng đã làm 14 người chết, đây là vụ hoả hoạn lớn nhất Tp.HCM trong 10 năm qua.
Nguyên nhân dẫn đến tử vong của các nạn nhân phần lớn là vì ngạt khói do khí độc trong đám cháy. Theo Hiệp hội Chống hỏa hoạn Quốc gia Mỹ, khói đám cháy làm chết người do chứa nhiều loại khí độc, mà phổ biến là carbon monoxide (CO) khiến cơ thể thiếu hụt oxy, làm tổn thương hệ thần kinh, đẩy nạn nhân vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh hoặc nặng hơn là tử vong. Chỉ 0,1% CO trong không khí cũng gây nguy hiểm cho tính mạng. Ngoài ra, hidro xyanua (HCN) xuất hiện khi nhựa bị đốt cản trở tế bào hô hấp. Đám cháy cũng sẽ làm giảm nồng độ oxy…
Còn theo thống kê của tạp chí y khoa eMedicineHealth, ngạt khói chiếm 50 – 80% nguyên nhân tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Vậy khi hoả hoạn xảy ra thì xử lý sao để sống sót?
Sau vụ cháy gây ra thiệt hại lớn cả về người và tài sản tại chung cư Carina Plaza, cộng đồng mạng rầm rộ chia sẻ những kỹ năng thoát hiểm khi chung cư xảy ra cháy. Nhưng để phòng ngừa và tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, trước hết mỗi gia đình, cư dân chung cư phải tự ý thức được việc nhận thức về các kỹ năng, cũng như trang bị các dụng cụ phòng cháy chữa cháy cho gia đình và bản thân là cực kỳ quan trọng.
Đầu tiên, trong nhà luôn luôn phải có những thiết bị cần thiết như bình cứu hoả, đèn pin, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm, băng dính to…
Dưới đây là các kỹ năng để thoát hiểm khi toà nhà cháy:
1. Trước khi mở cửa để thoát ra, dùng mu bàn tay đặt vào cánh cửa, nếu cửa nóng nghĩa là bên kia cửa đang cháy, mở cánh cửa đó ra khả năng lửa sẽ ập vào sẽ rất nguy hiểm. Tránh dùng lòng bàn tay vì rất dễ bị phỏng nếu cửa nóng, khi đó sẽ gây cản trở cho việc vận động trong lúc thoát hiểm.
2. Bình tĩnh quan sát và đánh giá tình hình của vụ hoả hoạn đối với căn hộ của mình. Trường hợp không thể thoát ra ngoài do có quá nhiều khói, hãy bình tĩnh đóng chặt cửa, dùng băng dính to dán kín tất cả các khe cửa để ngăn khói vào nhà. Đồng thời, sử dụng các khăn ướt hoặc mặt nạ phòng độc khi cần thiết. Tìm giải pháp thoát ra ngoài từ ban công, chờ đội cứu hộ.
3. Bình tĩnh quan sát và định vị loát thoát hiểm khi vào bất kỳ toà nhà nào. Nếu mất định hướng, hãy chú ý lối thoát hiểm thường được đặt bằng bảng đèn luôn sáng khu vực trần nhà.
4. Không cố thu tìm vật giá trị hay các loại thú nuôi trong tòa nhà. Không cần tìm hiểu đám cháy xuất phát từ đâu vì bạn sẽ không đủ thời gian .
5. Khi hành lang có khói, khi thoát hiểm bằng lối thoát hiểm của toà nhà hãy bò trên sàn nhà để thoát, bởi không khí sạch sẽ nằm thấp hơn khói. Chúng ta thường bị chết ngạt do khói chứ không phải do lửa.
6. Không trốn vào phòng kín, phòng tắm hay WC vì chắc chắn bạn sẽ chết ngạt.
7. Nếu trường hợp lửa đốt áo quần bạn đang mặc, bình tĩnh không chạy vì như thế chẳng khác nào bạn quạt cho chúng cháy lớn hơn. Hãy nằm xuống đè lửa và dùng các vật dụng khác dập vào cho tắt.
8. Trường hợp không tìm ra lối thoát, hoặc lối thoát bị bao trùm lửa. Hãy bình tình tìm vật dụng mềm như vải, gối, chăn hay bất cứ thứ gì mềm. Sau đó dùng vật cứng đập vỡ cửa kính, quăng các vật mềm ấy xuống đất để đỡ bạn phần nào trước khi nhảy thoát thân.
9. Trường hợp lầu cao, hãy thoát dần trên các mái nhà lân cận.
10. Điều cuối cùng đừng quay lại khi bạn đã thoát ra ngoài.
Nhật Minh (tổng hợp)
Theo Nhịp sống kinh tế