Chặn sốt đất ở các đặc khu
Sau những chỉ đạo kịp thời, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã không còn sôi động ở những nơi được quy hoạch đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Ngày 9-5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công văn khẩn về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh – nơi đang được quy hoạch đặc khu kinh tế (ĐKKT) Bắc Vân Phong.
Khó với hồ sơ đã nhận
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết nội dung chính của công văn này là giao UBND huyện Vạn Ninh tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện việc tách thửa cho đến khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính kinh tế được phê duyệt. UBND huyện Vạn Ninh chỉ đạo các xã, thị trấn không thực hiện việc chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng.
Tại một khu phân lô bán nền ở Phú Quốc, vắng khách đến mua nên các nhân viên tụm lại tán gẫuẢnh: CÔNG TUẤN
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh thông báo đến các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng công chứng và văn phòng thừa phát lại thực hiện nghiêm các quy định về chứng thực. “Công văn có hiệu lực ngay khi ban hành, tức ngày 9-5. Để các địa phương và sở, ngành thực hiện kịp thời, công văn đã được gửi đến các nơi tiếp nhận ngay trong ngày” – ông Bông nói.
Ngay sau khi công văn này được ban hành, mọi hoạt động giao dịch bất động sản ở nơi đang được quy hoạch ĐKKT Bắc Vân Phong lập tức hạ nhiệt. Ngay chiều 9-5, khoảng 20 sàn giao dịch bất động sản ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) đã không còn tấp nập như 3 ngày trước.
Gần 1 giờ trôi qua nhưng tại sàn giao dịch địa ốc Bắc Vân Phong không một khách đến. Trong vai người muốn bán đất, phóng viên liên lạc qua số điện thoại ghi trên biển hiệu của sàn giao dịch này thì một người đàn ông bắt máy. Tuy nhiên, người này chỉ hỏi loại đất, diện tích đất, giá bán rồi bảo để liên lạc lại, đến cuối buổi vẫn bặt tiếng.
Phóng viên tiếp tục liên lạc với một nhà đầu tư bất động sản có tên Lê Thái Văn Thọ để hỏi mua đất. Ông Thọ vồ vập cho biết lô đất bán có diện tích hơn 1.600 m2, giá 4,5 tỉ đồng. Khi đề cập đến thông tin dừng mọi hoạt động giao dịch bất động sản ở đây, ông Thọ bảo đó chỉ là đất rừng, đất nông nghiệp, còn của ông là đất trồng cây lâu năm, có một phần diện tích đất thổ cư nên vẫn mua bán được. “Nếu mua trong ngày hôm nay hoặc ngày 10-5 thì em vẫn làm được cho anh ngày mua là 8-5. Muốn mua thì anh phải nói trước để em lấy số công chứng. Làm được thì mình mới dám nói chớ” – ông Thọ khoe.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho rằng trong 2-3 ngày tới, sự hạ nhiệt đối với bất động sản ở đây sẽ thấy rõ. Đối với những diện tích đất đã chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất hoặc tách thửa đã thực hiện trước đây thì sẽ không đụng đến, chỉ dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ mới.
“Tuy nhiên, đối với những hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết thì chưa biết phải làm sao. Chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh về hướng xử lý” – ông Phẩm nói rồi bảo chưa có số liệu chính thức về số hồ sơ đã tiếp nhận, chưa xử lý. Được biết, con số này phải trên 500 hồ sơ.
Cò đất vắng hẳn
Sau khi các ngành chức năng thanh – kiểm tra sai phạm trong quản lý đất tại đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cộng với việc UBND huyện này vừa ra văn bản tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu phân lô, tách thửa dưới 500 m2, tình hình sang nhượng quyền sử dụng đất ở đây cũng bớt sôi động. Tại các khu phân lô bán nền, đội ngũ cò đất vắng hẳn vì chẳng thấy cảnh người mua đất nườm nượp đến hỏi như cách đây một tháng.
Thấy chúng tôi trờ tới bên vệ đường, khoảng 4-5 nhân viên tư vấn bán nền tại một khu phân lô tự phát ở xã Dương Tơ chạy ùa ra chào mời rôm rả rồi đua nhau giới thiệu các dãy nền. Nghe chúng tôi hỏi về chủ trương tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một nữ nhân viên nói: “Biết chừng nào mới áp dụng anh ơi! Công ty tụi em bảo đảm chuyển đổi được hết cho anh, mấy nền cũng được hết”. Tại các phòng công chứng, cảnh chen lấn, quá tải không còn như trước đó vài tuần.
Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, quy định tách thửa, phân lô phải có diện tích từ 500 m2 trở lên có từ tháng 7-2017. Nhiều doanh nghiệp tự ý phân lô, tách thửa chứ huyện không có chủ trương này.
Các giao dịch chuyển nhượng đã giảm
Tại huyện Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh (nơi được quy hoạch ĐKKT Vân Đồn), sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc tạm dừng giao đất cho các đơn vị, cá nhân và tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đất đai, UBND huyện Vân Đồn cho biết địa phương đang tập trung phân loại những hồ sơ đất liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội, hoạt động thế chấp tổng hợp. Những hồ sơ không liên quan các hoạt động trên sẽ tổng hợp xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đặc biệt với các tuyến đường đang thi công, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về lấn chiếm đất đai, nhất là liên quan đến đất rừng và đất nông nghiệp.
Số hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai mà huyện tiếp nhận đã ít hơn rất nhiều so với trước, hoạt động giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giảm đáng kể. Cụ thể như ngày 4-5 (một ngày sau khi Bí thư Tỉnh ủy làm việc với huyện Vân Đồn), có 84 hồ sơ, trong đó 3 hồ sơ liên quan thế chấp tài sản, 81 hồ sơ liên quan chuyển nhượng đất thì ngày 7-5 chỉ có 15 hồ sơ và ngày 8-5 là 12 hồ sơ.
T.ĐỨC
Người lao động
[elementor-template id=”16904″]