CEO Asanzo: Chúng tôi IPO để xuất khẩu ra châu Á
Đằng sau kế hoạch IPO là tham vọng đưa tập đoàn Asanzo trở thành nhà sản xuất điện tử, công nghệ hàng đầu Việt Nam và hướng tới xuất khẩu sang thị trường châu Á của CEO Phạm Văn Tam.
Sẵn sàng cho lộ trình IPO
Vừa qua, lãnh đạo tập đoàn Asanzo đã thông báo về kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, hướng tới mục tiêu IPO vào năm 2021. Theo đó trong 3 năm tới, Chủ tịch Asanzo – ông Phạm Văn Tam cho biết sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, giấy tờ sổ sách, công nghệ, nhân sự chuyên về tài chính… Song song đó, Asanzo sẽ tổ chức các buổi roadshow để tiếp xúc với các nhà đầu tiềm năng đế sẵn sàng cho lần gọi vốn đầu tiên.
“Quan trọng nhất là phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Từ một doanh nghiệp khởi nghiệp mang yếu tố gia đình, chúng tôi phải trở thành một tập đoàn quy mô lớn, hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp.” ông Tam khẳng định.
Theo đó, ý thức và tâm lý của đội ngũ nhân viên, công nhân và cả lãnh đạo tập đoàn cần có sự thay đổi. Trách nhiệm với sản phẩm, thương hiệu Asanzo cũng như các nhà đầu tư sẽ được nâng cao hơn nữa.
Bản thân CEO Phạm Văn Tam cũng sẽ chuyển giao dần công việc của mình sang cho những bộ phận chuyên trách để đạt được mục tiêu xây dựng Asanzo thành một tập đoàn đa ngành, quy mô lớn và chuyên nghiệp trong từng khâu hoạt động.
Theo kế hoạch, lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng sẽ chiếm khoảng 30-40% tổng lượng cổ phần. Ở mỗi vòng gọi vốn, Asanzo đặt mục tiêu huy động được từ 300-500 tỷ đồng để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn của tập đoàn.
Mở rộng quy mô và hướng tới xuất khẩu
Mục tiêu đầu tiên của kế hoạch IPO là giải quyết vấn đề nguồn vốn phát triển sản xuất. Những ngày đầu thành lập, Asanzo gây tiếng vang trên thị trường nhờ dòng sản phẩm Tivi Led. 2 năm trở lại đây, tập đoàn cho ra mắt thêm nhiều dòng sản phẩm như điện lạnh, gia dụng, smartphone…tất cả đều nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường.
Đà tăng trưởng trung bình của Asanzo là gần 2 lần mỗi năm về cả doanh thu và số sản phẩm cung ứng. Nhu cầu phát triển quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm của Asanzo là rất lớn và chỉ có nguồn vốn từ IPO mới đủ sức giúp tập đoàn giữ vững đà tăng trưởng.
Hiện nay công suất tối đa của Asanzo vào khoảng 4 triệu sản phẩm/năm, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước. Lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng nguồn vốn IPO sẽ giúp Asanzo phát triển hệ thống sản xuất, đưa công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm. Trong đó 3,5 triệu sản phẩm sẽ phục vụ nhu cầu nội địa và 6,5 triệu sản phẩm sẽ được xuất đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào…
Thành lập khu công nghiệp điện tử Asanzo
Về mục tiêu tiếp theo sau khi IPO của tập đoàn Asanzo, Chủ tịch Phạm Văn Tam cho biết: “Tôi sẽ xây dựng một khu công nghiệp diện tích tối thiểu 100ha dành riêng cho ngành điện tử. Nơi đây tập trung tất cả dây chuyền sản xuất các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất bao bì, khuôn mẫu, linh kiện. Ngoài phục vụ cho Asanzo, khu công nghiệp mới cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.”
Hiện tại dù ở nước ta có hàng trăm khu công nghiệp lớn nhỏ, nhưng các khu công nghiệp vẫn chọn lối đi an toàn, chỉ cung cấp nhà xưởng cơ bản, phục vụ cho nhu cầu đại trà, doanh nghiệp lúa gạo, công nghiệp chế biến, điện tử đều có thể thuê được.
Trong khi đó, ngành điện tử có đặc thù riêng, yêu cầu những quy chuẩn sản xuất khắt khe, từ nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Khu công nghiệp mới của Asanzo sẽ đáp ứng tất cả các quy chuẩn kể trên.
Nhà sáng lập Asanzo cho biết đã có khá nhiều đối tác cung cấp linh kiện cho Asanzo ngỏ ý muốn đặt cơ sở sản xuất tại nước ta do chi phí sản xuất tại các nước châu Á khác đang tăng cao. Khả năng thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam là cơ sở để ông tin vào thành công của dự án khu công nghiệp điện tử nói trên.
Ở giai đoạn đầu, Asanzo đặt mục tiêu thu hút 10-20 công ty hoạt động tại khu công nghiệp diện tử. Trong đó có các doanh nghiệp cung cấp linh kiện từ châu Á, châu Âu, doanh nghiệp trong ngành phụ trợ phục vụ sản xuất điện tử.
“Tôi muốn đưa các doanh nghiệp ngoại vào đặt nhà máy tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ và thu hút FDI. Qua đó cũng góp phần nâng tầm ngành điện tử Việt Nam và tạo động lực để các nhà sản xuất trong nước mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này” – Ông Tam kỳ vọng.
Theo Nhịp sống kinh tế
[elementor-template id=”16904″]