Cậu bé nghèo được lắp chân giả sau 17 năm bò bằng đầu gối
Hồ Văn Đao sinh ra với bàn chân co quắp nhưng nhà nghèo, không có tiền phẫu thuật nên em phải đi học bằng đầu gối.
Một trưa nắng đầu tháng 8, gia đình bà Hồ Thị Mó (41 tuổi, trú thôn Ngược, xã Ba Nang, huyện Đăkrông, Quảng Trị) trở nên đông vui khi có nhiều người đến thăm, chúc mừng con trai của bà Mó đi lại được trên đôi chân giả sau hơn một tháng phẫu thuật.
Hồ Văn Đao, năm nay 17 tuổi, lần đầu tiên trong đời được đứng thẳng người, cao hơn mẹ mình. Bà Mó ôm và thơm con trai, mắt ngấn lệ. Từ nay, ước mơ được đi thẳng người trên đôi chân bỏng cháy của Đao và gia đình 17 năm qua trở thành hiện thực.
Bà Mó kể Đao được sinh ra với hai bàn chân co quắp. Dị tật khiến Đao không thể đứng thẳng, đi lại như bao bạn bè. Lớn lên, Đao đi học nhưng phải lết bằng đầu gối, những đoạn đồi dốc khó khăn, em dùng tay để bò.
Vào mùa mưa, đến được lớp thì người Đao lấm lem bùn. Di chuyển hạn chế nên em cũng ít ra ngoài sân chơi hay giao lưu với bạn bè. Để đi lại, Đao tự cải tiến đôi dép cao su của mình, may lại quai dép, xỏ vào ống chân rồi kéo lên tới đầu gối.
Nhà Đao ở ngay sau lưng nhà cậu ruột. Để lên nhà cậu xem ti vi, Đao nhờ mấy đứa em phụ giúp, tự tay làm một con đường xi măng nhỏ để khỏi bị ướt và bẩn mỗi khi trời mưa. Nay, Đao không cần dùng đến con đường này nữa.
Bà Hồ Thị Mó (bên phải) lần đầu sờ vào đôi chân của con. Ảnh: Hoàng Táo |
Những năm học cấp 2, Đao phải đi cách xa nhà khoảng 30 km và được các thầy cô ở trường nuôi ăn ở. Hết lớp 9, cậu bé khuyết tật theo học sơ cấp luật tại trường Trung cấp luật Đồng Hới (Quảng Bình) diện vừa học phổ thông vừa học nghề. Tuy nhiên, sau một năm rưỡi, vì mặc cảm khuyết tật nên Đao bỏ dở. “Em không thể đi lại được nhiều, chỉ quanh quẩn ở ký túc, lớp học và nhà ăn. Buồn quá nên em nghỉ học”, Đao kể.
Anh Hồ Văn Manh (29 tuổi) cậu ruột Đao cho hay bố của cháu mất năm 2005 do tai nạn bom mìn. Nhà có bốn anh em, một mình mẹ Đao làm rẫy nuôi cả nhà. Mỗi năm được một mùa lúa rẫy chỉ đủ ăn khoảng sáu tháng. “Gia đình phải ăn độn thêm khoai sắn, hoặc khi có ai gọi làm thuê gì mới có tiền mua gạo”, anh Manh nói.
17 năm qua, Đao và gia đình luôn ước mong em có đôi chân để đi lại. Tuy nhiên, gia cảnh khó khăn, việc đưa Đao đến một trung tâm y học để chữa trị không khả thi.
Hồ Văn Đao và mẹ. Ảnh: Hoàng Táo |
Cuộc sống đã mỉm cười với Đao khi em tình cờ gặp anh Đặng Quang Toàn, phụ trách chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn của dự án Renew vào chín năm trước.
“Khi gặp Đao, tôi thấy đôi chân của em không thể lắp chân giả vì vẫn còn hai bàn chân co quắp về sau. Muốn lắp chân giả thì phải phẫu thuật, nhưng thời gian đó dự án không hỗ trợ việc này”, anh Toàn cho hay.
Hình ảnh cậu bé nỗ lực đến trường bằng hai đầu gối in vào tâm trí anh Toàn, và từ đó, anh luôn tìm kiếm cho em cơ hội được đi lại trên đôi chân giả.
Hai năm trước, cơ chế thay đổi, bằng các điều khoản hợp tác giữa dự án Renew và Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng, anh Toàn tìm được khoản kinh phí hỗ trợ Đao phẫu thuật, cắt bỏ hai bàn chân.
Anh Đặng Quang Toàn đưa Đao vào Đà Nẵng khám và phẫu thuật. Ảnh: NVCC |
Đầu tháng 4, anh Toàn làm các thủ tục để đưa Đao đi phẫu thuật. Người đàn ông này cũng kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại của Đao và một người thân trong quá trình nằm viện tại Đà Nẵng.
“Nỗi lo lớn nhất là ca phẫu thuật không thành công, nhưng thấy Đao và gia đình rất quyết tâm nên tôi bớt lo lắng”, anh Toàn nói.
Sau mười ngày nhập viện, Đao được phẫu thuật cắt bỏ bàn chân đầu tiên. Một tháng tiếp theo, Đao trải qua ca phẫu thuật thứ hai, cắt bỏ bàn chân còn lại.
Ngày 22/6, Đao lần đầu được thử đi chân giả. “Dù vết thương còn mới, rất đau nhưng em thấy sung sướng khi bước đi như mọi người”, Đao nói. Sau hai tuần miệt mài tập luyện, Đao tự đi lại được trên đôi chân giả.
“Sau khi phẫu thuật thành công, em tự đặt mua một đôi giày và một chiếc quần dài. Thời gian tới, em sẽ xin nhập học trở lại để hoàn thành chương trình sơ cấp luật”, Đao nói.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]