Cách thức Virus nCoV lây truyền
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Qiang Zhou, Đại học Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc, đã tiết lộ cách thức nCoV gắn thụ thể ACE2 trên các tế bào hô hấp, mở ra bức tranh tìm ra những phác đồ điều trị Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ nghiên cứu và chế tạo vaccine trong tương lai.
Thông thường, để lây nhiễm ký chủ, virus phải có đủ khả năng để chống lại hệ miễn dịch của con người, sau đó xâm nhập vào từng tế bào. Chúng sử dụng cơ chế riêng biệt để tiến hành sao chép, khi đạt đến số lượng và cấu trúc nhất định, virus sẽ lây lan và bắt đầu khả năng truyền nhiễm.
Một số loại virus corona khác có vòng tuần hoàn liên tục, gây nhiễm trùng đường hô hấp trên mà hầu hết là cảm lạnh thông thường. Những virus đó không tương tác với thụ thể ACE2, thay vào đó, chúng xâm nhập vào cơ thể bằng cách sử dụng các thụ thể khác trên tế bào người.
Trước đó, ngày 19/2 trên Science, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) đã mô tả một loại “khóa phân tử” kích thước siêu nhỏ trên nCoV, giúp virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào. “Khóa phân tử” này được gọi là protein tăng đột biến, hay protein S.
Dựa trên kết quả này, nhóm nghiên cứu của Zhou tiếp tục giải mã cách thức cấu trúc của protein thụ thể ACE2 (nằm trên bề mặt của các tế bào hô hấp) và cách protein S khi xâm nhập vào tế bào. Nghiên cứu được công bố trên Science ngày 4/3. “Thụ thể ACE2 chính là “tay nắm cửa” giúp SARS-CoV-2 trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bằng protein S”, Liang Tao, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hồ Tây, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết.
Nhờ các nghiên cứu đi trước, Zhou và nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh để cung cấp hình ảnh về các cấu trúc siêu vi trong phân tử sinh học. Các nhà nghiên cứu phát hiện, liên kết phân tử giữa protein S và ACE2 của nCoV khá giống với mô hình liên kết của virus corona gây ra sự bùng phát bệnh SARS năm 2003. Tuy nhiên, có một số khác biệt trong chuỗi axit amin chính xác được sử dụng để SARS-CoV-2 liên kết với thụ thể ACE2. Độ liên kết của nCoV ảnh hưởng trực tiếp đến việc virus này lây truyền từ người này sang người khác. Chỉ cần bất kỳ hạt virus nào đủ mạnh để xâm nhập vào tế bào, việc truyền bệnh đều có thể xảy ra.
Cấu trúc “khóa phân tử” của SARS-CoV-2 về mặt lý thuyết có thể cung cấp thông tin tìm ra các loại thuốc chống virus, ngăn chặn virus mới xâm nhập vào các tế bào. “Hầu hết các loại thuốc chống virus đã có mặt trên thị trường tập trung vào việc ngăn chặn sự nhân lên của virus trong tế bào, vì vậy một loại thuốc nhắm mục tiêu vào virus sẽ là một điểm nghiên cứu mới. Mặc dù vậy, phát triển một trong hai loại thuốc hoặc vaccine sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức bởi phương pháp điều trị bệnh và vaccine không chỉ có hiệu quả chống lại virus, mà còn phải an toàn với cơ thể”, Gallagher nói.
Theo Bizc.vn