Các ngân hàng đồng loạt giảm lợi nhuận cùng chia sẻ khó khăn với nền kinh tế
Những tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong quý I/2020 của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiệu ứng khó khăn dây chuyền đã ảnh hưởng tới ngành ngân hàng là lớn nhất bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, nên bất kể tác động tiêu cực nào đến người dân và doanh nghiệp đều tác động trực tiếp đến ngành này.
Tại Hội nghị trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã triển khai rất tích cực các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả triển khai đã thể hiện tính chủ động, quyết liệt của các TCTD, theo đó: cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167 nghìn khách hàng với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ; Hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng. Miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Con số rất lớn thể hiện sự chia sẻ đồng hành của cả hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và khách hàng vay vốn. “Kết quả này là bước đi quan trọng để chúng ta kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”- Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Sự đồng hành và chia sẻ với khách hàng thông qua tiết giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận là điều mà các ngân hàng thương mại đã xác định từ đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19 để chung tay cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn. Đơn cử, thông tin tại hội nghị nêu trên, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, pương án tài chính Agribank đã xác định lại, toàn bộ doanh thu năm nay sẽ giảm 6.000 tỉ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 đều giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng trong khi đó số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu nợ, giảm lãi suất, miễn giảm phí liên tục được tăng lên từng ngày. Điều này thể hiện rõ nét sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của ngân hàng trong vai trò lưu thông dòng vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank-CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Theo đó, tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.223 nghìn tỷ đồng, giảm 1,46% so với cuối năm 2019.
Tiền gửi khách hàng tại VietinBank đến thời điểm 31/3/2020 đạt 896 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/3/2020 đạt 924 nghìn tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ suy giảm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Vietcombank (VCB), tổng tài sản ở mức 1,14 triệu tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng này giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 43% lên 2.152 tỷ đồng.
Còn tại MB, dư nợ cho vay trong quý I/2020 không tăng trưởng; tiền gửi của khách hàng giảm tới 12% do tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm mạnh 25%. Trong kỳ, ngân hàng này cũng tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 117%, một phần do nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng mạnh. Do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao khiến lãi trước thuế của MB giảm 9% so với cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo tài chính quý I/2020 của VietinBank, cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank vẫn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các phân khúc có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ và SMEs (tỷ trọng bán lẻ và SMEs chiếm khoảng 56% dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/3/2020).
Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 đạt 10.685 tỷ đồng, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu thu nhập từng bước được cải thiện, tỷ trọng thu ngoài lãi đã tăng từ 20% lên 23% tổng thu nhập hoạt động. Lũy kế 3 tháng năm 2020, thu nhập ngoài lãi (bao gồm cả bảo lãnh) của VietinBank đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng năm 2020 đạt 2.974 tỷ đồng.
Đại diện VietinBank cho biết: Trong điều kiện các doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của Covid, ngân hàng đã thực hiện các chính sách tiếp tục duy trì các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất không giới hạn quy mô, triển khai mới chương trình tín dụng với lãi suất thấp nhất từ trước tới nay, triển khai các chương trình ưu đãi phí bao gồm cả phí chuyển tiền ngoài hệ thống, phí tài trợ thương mại… Điều đó sẽ làm giảm thu nhập lãi, thu nhập từ phí của VietinBank, từ đó giảm lợi nhuận so với năm 2019.
“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm quan trọng và cần thiết để các doanh nghiệp và ngân hàng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau vượt khó và phát triển. Các ngân hàng sẵn sàng giảm lợi nhuận để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cùng người dân trong bối cảnh dịch COVID-19” – vị đại diện VietinBank cho biết thêm.
Hiệu quả quản trị chi phí của ngân hàng này liên tục cải thiện trong những năm gần đây, chi phí hoạt động chỉ tăng 2,5% so cùng kỳ 2019, tỷ lệ CIR đã giảm xuống mức 30% trong quý 1/2020, mức thấp nhất của VietinBank từ trước tới nay và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, thể hiện nỗ lực của ngân hàng trong chiến dịch chung tay hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Theo BizC.vn