Các bị can Tổ giám sát của NHNN tại Ngân hàng Đại Tín/VNCB khai gì với cơ quan điều tra?
Cựu Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cùng 4 bị can khác bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng…
Theo kết quả điều tra đến nay đã xác định được Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát trong thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát tại Ngân hàng Đại Tín/VNCB.
Theo cáo trạng, các bị can trong Tổ giám sát đã thụ động, hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, để cho Phạm Công Danh và đồng phạm tùy tiện thực hiện hành vi rút tiền, sử dụng tiền trái pháp luật mà không chủ động có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh.
Cáo buộc 5 người trong Tổ giám sát thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại hàng nghìn tỷ tại VNCB
Cụ thể, trong thời gian ông Hà Tấn Phước là Tổ trưởng Tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/VNCB từ 14/2 đến 15/12/2013, Phạm Công Danh đã rút số tiền 9.461,876 tỷ đồng ở 7 giao dịch.
Trong đó, khoản 300 tỷ đồng cho Công ty Hưng Thịnh không gây hậu quả thiệt hại. Khoản 5.190 tỷ đồng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích là các giao dịch chuyển khoản, không có dòng tiền ra khỏi ngân hàng nên không xem xét trách nhiệm của Tổ giám sát.
5 giao dịch còn lại đã gây tổng cộng thiệt hại là 3.454 tỷ đồng cho ngân hàng. Trong đó, khoản tiền 1.854 tỷ đồng Tổ giám sát đồng ý cho VNCB gửi tại Sacombank nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi tiền gửi tại các TCTD khác theo đúng quy định tại Quyết định số 12 đã gây thiệt hại hơn 1.835 tỷ đồng.
4 giao dịch nữa, VNCB không xin ý kiến hoặc xin ý kiến nhưng Tổ giám sát không đồng ý, và các khoản tiền đã được Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được gồm: Khoản 650 tỷ cho Công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay, gây thiệt hại hơn 471 tỷ đồng; 903 tỷ đồng VNCB ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt; hơn 63 tỷ đồng nâng cấp hệ thống Core Banking; 181,6 tỷ đồng thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành không thu hồi được.
Đối với ông Lê Văn Thanh, theo cơ quan tố tụng, trong thời gian làm Tổ trưởng Tổ giám sát, ông Thanh có trách nhiệm liên quan đến việc giám sát đối với 5 giao dịch mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút tiền ra khỏi VNCB.
Theo đó, trong thời gian từ 15/10/2013 đến 3/2014, Phạm Công Danh đã rút hơn 9.226 tỷ đồng của VNCB ở 5 giao dịch. Kết quả điều tra cho thấy, đối với khoản tiền 1.706 tỷ đồng VNCB gửi thị trường 2 tại Tienphongbank và 3.070 tỷ đồng gửi tại BIDV, Tổ giám sát đã đồng ý nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi tiền gửi tại cá TCTD khác theo đúng quy định tại Quyết định số 12, dẫn đến thiệt hại 4.290 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 3 giao dịch, VNCB không xin ý kiến hoặc xin ý kiến nhưng Tổ giám sát không đồng ý và số tiền sau đó bị Phạm Công Danh sử dụng cho mục đích cá nhân không thu hồi được, gồm: Khoản 300 tỷ đồng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm; khoản 3.750 tỷ đồng cho 10 doanh nghiệp vay 12 khoản vay, gây thiệt hại 1.600 tỷ đồng; khoản thạm ứng 400 tỷ thuê trụ sở.
Như vậy, ông Lê Văn Thanh với nhiệm vụ quyền hạn Tổ trưởng Tổ giám sát có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả thiệt hại số tiền 6.591 tỷ đồng.
Ông Phạm Thế Tuân, trong thời gian làm Tổ phó Tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/VNCB từ 5/9/2012 đến 8/8/2013 là người được giao nhiệm vụ giúp Tổ trưởng theo dõi, giám sát các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm liên quan đến việc giám sát đối với 6 giao dịch mà Phạm Công Danh đã rút tiền của VNCB.
Trong đó bao gồm Khoản vay cho Công ty Đại Hoàng Phương và Công ty Thịnh Quốc 650 tỷ đồng gây thiệt hại 471 tỷ; Khoản tiền gửi tại Sacombank 1.854 tỷ đồng gây thiệt hại 1.835 tỷ đồng; Khoản ủy thác Quỹ Lộc Việt gây thiệt hại 903 tỷ đồng; Khoản nâng cấp Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; Khoản cho Công ty Hưng Thịnh và Quốc Cường vay 600 tỷ không gây thiệt hại; Khoản tạm ứng thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành 201,6 tỷ gây thiệt hại 181,6 tỷ đồng.
Trong cả 6 giao dịch trên, Tổ phó Phạm Thế Tuân đã không có ý kiến trên các tờ trình của VNCB. Do đó, ông Tuân có trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại 3.454 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Thanh, với trách nhiệm là người được giao nhiệm vụ xuyên suốt giúp Tổ trưởng theo dõi, giám sát các giao dịch từ 5 tỷ trở lên, ông Ngô Văn Thanh có liên quan trong việc Phạm Công Danh rút tiền của 12 giao dịch từ ngày 28/12/2012 đến 10/3/2014.
Theo đó, ông Thanh có trách nhiệm đối với hậu quả trong việc Phạm Công Danh rút số tiền các khoản gồm 3 khoản tiền gửi tại Sacombank, BIDV và Tienphongbank gây thiệt hại 6.126 tỷ; khoản vay của Công ty Địa Hoàng Phương và Thịnh Quốc gây thiệt hại 471 tỷ; khoản ủy thác Công ty Quỹ Lộc Việt gây thiệt hại 903 tỷ; khoản tạm ứng thuê trụ sở ở Tô Hiến Thành gây thiệt hại 181,6 tỷ đồng; khoản nâng cấp Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; khoản rút tiền thông qua cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gây thiệt hại 300 tỷ đồng; khoản cho 10 doanh nghiệp vay 12 khoản kinh doanh vật liệu xây dựng thiệt hại 1.600 tỷ đồng; khoản thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại là 10.046 tỷ đồng.
Cuối cùng, ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc NHNN, được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín bị cáo buộc đã không thực hiện đúng phương án do NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ, điều hành NH Đại Tín, sừ dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Điều này dẫn tới việc VNCB ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ cấu có khả năng mất vốn tăng cao.
Các bị can nói gì tại Cơ quan điều tra?
Tại cơ quan điều tra, bị can Hà Tấn Phước khai chịu trách nhiệm chính với những gì đã xảy ra tại VNCB khi ông làm Tổ trưởng Tổ giám sát.
Ông Lê Văn Thanh thì khai rằng khi làm Tổ trưởng Tổ giám sát từ 15/10/2013 đến 15/5/2014, do năng lực hạn chế, công việc phức tạp, không hiểu hết được ý đồ thủ đoạn của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai nên đã không kịp thời, không quyết liệt trong việc phát hiện xử lý các việc xảy ra như trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ông Phạm Thế Tuân khai có tham gia giám sát 5 giao dịch 5 tỷ đồng trở lên ngày 4/10/2012 đến 8/8/2013. Khi phát hiện sai phạm của Đại Tín/VNCB, Tổ giám sát có báo cáo NHNN nhưng việc báo cáo chưa kịp thời và kiến nghị chưa đầy đủ. Tổ giám sát chưa thực hiện hết thẩm quyền theo Điều 3 Quyết định số 12 của NHNN. Tổ giám sát có văn bản yêu cầu VNCB chấm dứt vi phạm, thu hồi các khoản tiền vi phạm và không có biên pháp cụ thể để ngăn chặn, thu hồi.
Ông Ngô Văn Thanh khai tham gia Tổ giám sát từ tháng 2/2012 đến tháng 5/2014, chỉ một mình bị can được phân công giám sát các khoản giải ngân trên 5 tỷ đồng. Về trách nhiệm giám sát của bị can theo quy định tại Quyết định số 12 của NHNN ngày 14/2/2012 là giám sát trước khi chuyển tiền nhưng do ngân hàng cố tình không báo cáo nên bị can không giám sát được.
Trong khi đó, ông Đặng Thanh Bình không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình nhưng thừa nhận văn bản số 652 ngày 6/9/2012 về việc chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông mới tham gia tái cơ cấu Trustbank. Cho đến khi kí văn bản vào 7/2013 để chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới (Phạm Công Danh) vẫn chưa chắc chắn.
Nhóm PV
Theo Nhịp sống kinh tế