Bloomberg: Khi Foxconn, Pegatron… sang Việt Nam, Mỹ hưởng lợi gì?
Chính quyền Washington xem xét lại nền công nghiệp để vạch ra những mặt hàng nào mới là phù hợp để sản xuất tại Mỹ, Bloomberg nhận định.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Joe Biden có lẽ sẽ liên quan nhiều đến việc xử lý Covid-19 và suy thoái kinh tế. Đồng thời, ông cũng đã hứa hẹn sẽ thay đổi cách Mỹ quản lý chuỗi cung ứng của mình. Đây được coi là một cách để giúp Mỹ kiên cường hơn trước khủng hoảng sau khi vật lộn với dịch bệnh.
Nhưng rõ ràng, chính sách chuỗi cung ứng của ông Biden cũng sẽ tập trung vào việc đưa các doanh nghiệp của Mỹ và đồng minh rời Trung Quốc.
Sự cạnh tranh về công nghệ, địa chính trị và kinh tế đang ngày càng leo thang giữa các siêu cường, khiến cho việc lập kế hoạch đa dạng hóa càng trở nên cấp thiết. Nhưng điều này đòi hỏi ông Biden phải tập trung vào việc làm cho chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, thay vì chỉ đơn thuần đưa hoạt động sản xuất trở lại các bờ biển nước Mỹ.
Đa dạng hóa không giống như reshoring (quá trình đưa hoạt động sản xuất các mặt hàng về “quê hương” của công ty). Mô hình sản xuất phân tán mà các công ty đa quốc gia đã xây dựng trong vòng ba thập kỷ qua sẽ không bao giờ nhập lại làm một ở bất kỳ nơi nào nữa.
Các lợi thế so sánh của Hoa Kỳ là công nghệ tiên tiến, môi trường kinh doanh tốt và người tiêu dùng giàu có. Lợi thế của họ không phải là nhân công giá rẻ, hay quy định cởi mở. Chính quyền ông Biden không nên tập trung vào công nghiệp lắp ráp cấp thấp, mà nên nắm bắt các phân khúc có giá trị cao nhất của chuỗi sản xuất.
Tổng thống Donald Trump đã cố gắng, và thất bại. Ông kêu gọi Foxconn Technology Group mở một nhà máy ở Wisconsin, nhưng bất thành. Vấn đề là iPhone của Apple và PlayStation của Sony sẽ không bao giờ “Made in America”. Ngoài sự chênh lệch về chi phí lao động, các công ty như Foxconn cũng phụ thuộc nhiều vào lao động thời vụ mà không bị cản trở bởi công đoàn hoặc các hợp đồng dài hạn.
Các giám đốc điều hành của Foxconn đã nói với Bloomberg rằng, họ không lường trước được việc công nhân Mỹ thực sự muốn đứng trên dây chuyền sản xuất để lắp ráp các mặt hàng tinh vi như iPhone và iPad. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi lực lượng lao động dồi dào hơn gấp 5 lần, thì không phải ai cũng muốn nhận việc này. Các công ty đã phải di chuyển để tiếp cận gần hơn với nguồn lao động.
Và dù sao thì những công việc này cũng không mang lại nhiều giá trị. Nhìn vào biên lợi nhuận gộp của đơn vị Hon Hai của Foxconn sẽ hiểu. Công ty chỉ thu về 5,91 USD cho mỗi sản phẩm trị giá 100 USD. Ngược lại, Apple thu về tới 38,23 USD cho mỗi 100 USD giá trị sản phẩm, từ mảng thiết bị, phần mềm và dịch vụ.
Có lẽ đưa công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSCM) về Arizona còn hợp lý hơn. Chỉ là, lĩnh vực bán dẫn cần nhiều vốn và ít lao động. Chính quyền Biden sẽ cần điều chỉnh mục tiêu về số lượng và loại công việc được tạo ra.
Phần lớn các việc làm ở TSCM đòi hỏi trình độ cao hơn. 75% nhân viên của TSMC đã tốt nghiệp đại học và 50% lực lượng lao động của họ có bằng sau đại học. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho các kỹ sư và các trường đại học Mỹ. TSCM tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nhưng sẽ không thâm dụng lao động. Để tạo ra nhiều việc làm, Mỹ sẽ cần phải tận dụng thị trường nội địa, phát triển ngành dịch vụ.
Chính quyền Washington xem xét lại nền công nghiệp để vạch ra những mặt hàng nào mới là phù hợp để sản xuất tại Mỹ, Bloomberg nhận định.
Ví dụ, xe điện ngày càng đòi hỏi các thành phần và mô-đun phức tạp dựa vào sản xuất công nghệ cao hơn, không còn phụ thuộc lao động rẻ nữa. Dẫn đến việc giá xe ngày càng tăng cao trên thị trường toàn cầu. Máy chủ, thiết bị liên lạc và hệ thống vũ khí điện tử cũng là những sản phẩm có khối lượng thấp, giá cao có thể được sản xuất tại Mỹ với chi phí hiệu quả.
Nhưng sản phẩm còn lại thuộc về các đồng minh, đối tác hiện tại và tương lai của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng sắp nhậm chức Antony Blinken khởi đầu một chuyến công du trên khắp thế giới để thu xếp các thương vụ đầu tư, nhằm đưa ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt. Cần xây dựng chính sách Con đường Silicon để cạnh tranh với Trung Quốc và đảm bảo công nghệ lõi nằm trong tay các đồng minh đáng tin cậy.
Bằng cách giúp di dời hoạt động sản xuất không phù hợp với Mỹ đến những nơi như Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Bangladesh và Mexico, chính quyền Washington có thể đảm bảo quan hệ tốt đẹp với họ thông qua tạo việc làm, đầu tư và chuyển giao công nghệ một cách có kiểm soát.
Việt Nam đã cho thấy tiềm năng đặc biệt để trở thành trung tâm sản xuất như Trung Quốc, bằng chứng là Samsung đã tuyển dụng hơn 100.000 lao động tại đây. Tất cả những điều này đòi hỏi một sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận cũ của ông Trump đối với thương mại – vốn chủ yếu liên quan đến thuế quan và các rào cản khác.
Theo CafeF