Bí quyết để nổi bật ở trời Tây
Mỗi người một lý do, một lựa chọn cho con đường du học. Thế nhưng, với những nghiên cứu sinh Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài, họ đều có những bí quyết riêng để khẳng định được tài năng ở môi trường quốc tế…
Tiến sĩ Lưu Trần Trung cùng gia đình tại Thụy Sỹ. (Ảnh: NVCC) |
Hãy làm thạc sĩ thật tốt
Với anh Lưu Trần Trung – Nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Thuỵ Sỹ, làm tiến sĩ là một công việc được trả lương và đóng thuế, bảo hiểm đầy đủ. Vì thế, có thể để tìm được PhD Job (hợp đồng làm tiến sĩ) ở châu Âu, chỉ cần có trình độ đạt chuẩn chung của thạc sĩ tốt nghiệp ở châu Âu (tùy từng trường) là có cơ hội xin được hợp đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là người đó cần có quyết tâm và cố gắng làm thạc sĩ thật tốt, sau đó các cơ hội sẽ tìm đến.
Chính bí quyết này cùng với những nỗ lực đã mang về cho anh những thành tích quý giá như Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của ISULS 2015, các giải thưởng và học bổng của các chương trình danh tiếng: KAIST (Hàn Quốc), DAAD (Đức), Marie-Curie (EU – Châu Âu), Đại học Hamburg (Đức), Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Ottawa, Montreal, Quebec (Canada)… Lưu Trần Trung cũng được giảng dạy tại nhiều phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới.
Sáng tạo là chìa khóa
TS. Ngô Văn Thuyết đã tốt nghiệp nghiên cứu sinh ngành Kết cấu công trình, khoa Kỹ thuật công trình ở Học viện Công nghệ Guwahati tại Ấn Độ. Khi lựa chọn Ấn Độ để theo học nghiên cứu sinh, anh Thuyết thấy mình rất may mắn bỏi Ấn Độ là một đất nước có nền giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Anh và có văn hóa tương đồng như Việt Nam. Đặc biệt, có một số trường của Ấn Độ có chất lượng và đầu tư rất tốt, ví dụ như hệ thống học viện nghiên cứu về kỹ thuật mà anh đã theo học.
Học nghiên cứu sinh, Thuyết sớm hiểu rằng mình cần phải có sản phẩm học thuật như hội thảo khoa học, bài báo khoa học quốc tế, bằng sáng chế… Bởi vậy anh đã tích cực theo đuổi các đề tài nghiên cứu thực tế. May mắn hơn là đề tài nghiên cứu của anh được Bộ Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ đầu tư kinh phí để tìm ra biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho công trình chịu động đất ở vùng Đông Bắc, Ấn Độ bằng một loại gối cách chấn mới.
Từ nghiên cứu này, Thuyết đã cho ra 4 bài báo quốc tế trong hệ thống báo ISI (trong đó 1 bài đã được đăng và 3 bài đang trong quá trình phản biện), 3 hội thảo quốc tế với các báo cáo đều được đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo (trong đó 2 hội thảo tại Mỹ và 1 tại Ấn Độ), 1 công trình thực tế được lưu tên trên bia lưu danh công trình tại khu vực Tawang, bang Arunachal Pradesh. Ngoài ra, nghiên cứu của anh còn nhận được bằng sáng chế của Bộ khoa học Ấn Độ.
Tiến sĩ Ngô Văn Thuyết tại Ấn Độ. (Ảnh: NVCC) |
Đừng tự đào thải ở môi trường cạnh tranh
Huỳnh Nam Khoa vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU). NTU là Trường Đại học xếp hạng 1 ở châu Á và và hạng 11 thế giới.
Tại đây, anh nghiên cứu đề tài phát triển mô hình mô phỏng về năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống trong các toà nhà. Đồng thời, dựa vào thông tin từ mạng lưới cảm biến, anh còn phát triển thuật toán điều khiển tối ưu cho hoạt động của thiết bị trong nhà thông minh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tiện nghi cho người sử dụng, nhưng tiết kiệm năng lượng nhất có thể.
Về học tập, Singapore là môi trường rất cạnh tranh và thu hút được rất nhiều người giỏi từ khắp thế giới, nên ảnh phải cố gắng liên tục trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống nếu không muốn bị đào thải. Vì vậy, anh đã học được cách làm việc tập trung, chuyên nghiệp và đưa hiệu quả lên tiêu chí hàng đầu.
Hành trình đi tìm câu hỏi
Ngô Thị Minh Thùy – nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) đi du học xuất phát từ một suy nghĩ rất đơn giản là muốn thành thạo ngoại ngữ để có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài. Tiếp đến, chị mong muốn được biết và đóng góp vào sự phát triển đương đại của khoa học và kỹ thuật chứ không chỉ dừng lại ở những hiểu biết về kiến thức kinh điển đã được học trong sách giáo khoa.
Dù lĩnh vực nghiên cứu ban đầu của chị là về chất rắn, bán dẫn và siêu dẫn nhưng chị muốn thử một lĩnh vực mới và được nhận làm thực tập trong một phòng thí nghiệm lý sinh. Thùy nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu mở với rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Đến nay, chị vẫn luôn cảm thấy thú vị với những khám phá mới trong ngành. Ngoài ra, đây là một ngành nghiên cứu có tính kết hợp kiến thức từ vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật cho đến khoa học máy tính… nên cách tiếp cận nghiên cứu của chị là tìm ra một câu hỏi thú vị và quyết tâm đi tìm câu trả lời bằng những công cụ khác nhau.
Tận dụng lợi thế là người Việt Nam
Càng đi đến nhiều quốc gia, Nguyễn Phúc Anh – nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nhân học Xã hội, Đại học Tokyo (Nhật Bản), càng cảm thấy nền giáo dục Việt Nam đang có là một nền giáo dục đáng trân trọng. Theo anh, nền giáo dục ấy đảm bảo cho hầu hết những học sinh nghèo như anh có thể nhận được hỗ trợ tốt nhất để học từ tiểu học đến gần hết chương trình tiến sĩ với tổng chi phí học phí chỉ bằng một tháng học ở Harvard.
Nguyễn Phúc Anh cho rằng, thế mạnh lớn nhất của nhiều sinh viên/nghiên cứu sinh Việt Nam khi đi học ở nước ngoài là hầu hết họ không phải vừa đi học vừa cõng theo những khoản nợ khổng lồ: nợ học phí, nợ tiền nhà, nợ tiền xe, và nợ thẻ tín dụng. Vì vậy, những nghiên cứu sinh Việt Nam có thể bình tâm mà học hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa ở các quốc gia khác.
AN BÌNH
Theo : baoquocte.vn
[elementor-template id=”16904″]