Bị các ngân hàng khác "vượt mặt", MB vẫn ngồi yên?
Không chỉ là ngôi vị quán quân lợi nhuận bị vượt qua mà con số đạt được của MB chỉ bằng phân nửa của hai ngân hàng mới nổi là VPBank và Techcombank đang kéo sự chú ý của thị trường.
Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhắc tới Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) là thị trường luôn nhớ đến “người dẫn đầu” của nhóm cổ phần tư nhân. Người ta tìm đến MB bởi sự an tâm với thương hiệu quân đội, cũng vì quy mô của ngân hàng này rộng lớn và là ngân hàng tư nhân nhưng lại có “hơi hướng” như ngân hàng Nhà nước.
Trên thị trường chứng khoán, MB cũng nằm trong nhóm tiên phong khi đưa cổ phiếu lên niêm yết khá sớm, từ năm 2011. Thanh khoản tốt, hoạt động kinh doanh lạc quan, minh bạch… là những điểm MB hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên ngôi vị số một chẳng bao giờ là mãi mãi, và với MB cũng vậy. Từ năm 2016 tới nay, hai ngân hàng khác mới nổi lên là VPBank và Techcombank đã vượt qua MB một cách ngoạn mục để trở thành những ngân hàng có lợi nhuận hợp nhất cao nhất trên thị trường. MB dù đã nỗ lực không ngừng nghỉ song vẫn phải chấp nhận vị trí thứ ba.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB thừa nhận rằng, sự vươn lên của VPBank và Techcombank đúng là rất…đáng nể. “Họ đã đổi mới và có sự tích lũy trong một thời gian nên ghi nhận các con số rất tích cực” – ông Thái nói.
Muốn đi nhanh nhưng vững
Khi đề cập đến việc liệu MB có quan ngại không khi đang là người dẫn đầu lại bị rơi xuống vị trí thứ ba, vị CEO mới ngồi ghế nóng ở MB được hơn 1 năm chia sẻ rằng, nếu nhìn vào cả một giai đoạn 5 năm – 10 năm thì sẽ thấy MB vẫn có tổng lợi nhuận tốt hơn, và ngân hàng chỉ đang chững lại chứ không phải bị bỏ lại phía sau hoặc “bình chân như vại” như một số người vẫn nghĩ. Song “trên thị trường có những đối thủ cạnh tranh giỏi giang như vậy thì ngân hàng như MB cũng cảm thấy rất vui vì có một môi trường tốt để cạnh tranh và đổi mới mình”.
Ông Lưu Trung Thái cũng cho biết, không riêng gì 3 ngân hàng nhóm đầu hiện nay mà trong hệ thống mỗi ngân hàng đều có hướng đi riêng cho mình. Chẳng hạn như VPBank đang chọn mô hình tài chính tiêu dùng trong khi Techcombank tập trung vào bán lẻ thì MB lại chọn con đường ít rủi ro và vững chắc.
“Chúng tôi muốn phát triển theo chiến thuật 1+6 tức là cùng phát triển ngân hàng và 6 công ty thành viên một cách vững chắc, phát triển đồng bộ tập đoàn để từ đó đem đến lợi nhuận cao nhất. Các ngân hàng khác họ đặt trọng tâm vào một mảng lớn hơn và mô hình công ty mẹ con cũng mỏng hơn, còn chúng tôi muốn có sự ổn định để trong mọi trường hợp, kể cả xấu nhất thì các công ty con có thể gánh vác cùng ngân hàng mẹ và ngược lại” – ông Thái nói.
Ông cho biết thêm, mỗi ngân hàng chọn hướng đi khác nhau, phụ thuộc chiến lược dài hơi của các ông chủ. Do đó, mục tiêu các năm của từng ngân hàng là khác nhau. Như MB mục tiêu dài hạn là đường đi tăng trưởng tương đối cao nhưng không chịu áp lực rủi ro cao, không thúc ép đội ngũ, không đòi hỏi tăng trưởng phải cao bằng mọi giá mà chỉ ở mức chấp nhận được. “Chẳng hạn kịch bản tăng trưởng 25% cho một năm, có ngân hàng họ dùng hết room đó nhưng có ngân hàng lại chọn tăng trưởng chỉ 20% thôi, còn 5% để tích lũy, đầu tư cho dài hạn và chúng tôi là như thế. Chúng tôi muốn đi nhanh và bền vững”, ông nói.
Tư duy đang thay đổi
Đề cập đến câu chuyện đổi mới thế nào để tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường, CEO của Ngân hàng Quân đội chia sẻ rằng, tư duy của ngân hàng này đang dần khác đi và có sự biến chuyển rõ rệt. “Chúng tôi đang có sự thay đổi” – ông Thái nói.
Ông Thái cũng cho biết, hiện room ngoại ở nhà băng này còn rất lớn, tới gần 10%, hơn nữa nếu Vietcombank thoái vốn theo lộ trình thì sẽ có thêm room cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, điều đó sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Về kinh doanh, ngân hàng cũng đang thay đổi tư duy khi lập hẳn một khối mới để phục vụ nhóm khách hàng mới là những người trẻ gần gũi với công nghệ. Theo vị CEO trẻ tuổi nhất trong thế hệ các lãnh đạo ở MB, hiện ngân hàng đã có lực lượng kinh doanh riêng, sản phẩm riêng, cơ chế phục vụ riêng cho nhóm khách hàng này, cơ bản là dựa trên mô hình trực tuyến để khách hàng sử dụng dễ dàng hơn, kết nối tiện lợi hơn. Các mô hình này chủ yếu đang đầu tư và thử nghiệm và MB hi vọng sẽ phát huy tác dụng, tức sinh lời 3 – 5 năm tới.
Tín dụng vẫn là trọng tâm, công ty tài chính sẽ phát huy lợi thế
Chia sẻ về hướng đi trong năm 2018, CEO của MB cho biết ngân hàng vẫn chọn tín dụng là trọng tâm, mảng dịch vụ (đơn thuần là dịch vụ chứ không như ở một số ngân hàng khác dịch vụ lại ẩn sau tín dụng) dự kiến chỉ chiếm khoảng 21 – 22% tỷ trọng trong tổng doanh thu, so với khoảng 19% trong năm 2017.
Lãnh đạo MB cũng cập nhật thông tin, trong năm 2017 lãi thuần (NIM) của ngân hàng đã tăng thêm gần 1 điểm phần trăm, từ khoảng 3,2% lên gần 4% nhờ chi phí giá vốn tốt, hoạt động cho vay được mở rộng ra các mảng tiêu dùng, bán lẻ, nên dù tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 22% song lãi thuần lại tăng mạnh gần gấp hai lần. Dự kiến trong năm 2018, khi mảng tài chính tiêu dùng phát triển mạnh hơn nữa thông qua công ty liên doanh Mcredit, NIM của MB hợp nhất sẽ tăng tiếp khoảng 0,5 điểm phần trăm lên vùng 4,3 – 4,5%.
“Riêng công ty tài chính năm nay chúng tôi đặt mục tiêu lãi 300 tỷ và tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 800 tỷ. Nếu đạt được con số đó thì công ty tài chính của MB sẽ là tốt nhất trên thị trường khi năm thứ 2 đã làm ăn có lãi” – ông Thái tự tin nói.
So sánh với công ty tài chính đang làm mưa làm gió trên thị trường là Fe Credit và HD Saison thì Mcredit có lợi thế gì, lãnh đạo MB cho biết công ty của MB lựa chọn phân khúc rủi ro thấp hơn, lãi suất vừa phải hơn để kiểm soát rủi ro tốt hơn.
“Mcredit là công ty có lợi thế về công nghệ. Chúng tôi tích hợp bán hàng di động, trực tuyến đẩy hồ sơ về hệ thống xử lý, sẽ rút ngắn được thời gian phê duyệt và cung cấp cho khách hàng. Hơn nữa chúng tôi được đối tác Nhật cam kết sẽ cung cấp tiềm lực tài chính ở giai đoạn đầu nên chúng tôi cũng có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh về phần chi phí đầu vào rẻ và có sẵn”.
Ngoài ra, ông Thái cho biết thêm, đối tác của ngân hàng là Tập đoàn Viettel sẽ cùng với MB hợp tác để đánh giá thêm khách hàng tiềm năng để sử dụng cho hoạt động kinh doanh của cả ngân hàng lẫn công ty tài chính.
Mục tiêu tăng lợi nhuận thêm 40%, sẽ có “đề xuất lạ” với cổ đông
Ông Lưu Trung Thái cho biết, năm 2018, ngân hàng dự kiến trình đại hội cổ đông mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 6.800 tỷ đồng tức tăng hơn 40% so với con số đạt được của năm 2017.
Lãnh đạo MB nói thêm rằng đây là mục tiêu khá chắc chắn mà ngân hàng tin rằng sẽ đạt được. Điều này đến từ hai yếu tố, thứ nhất là hiệu quả kinh doanh của các khối thuộc của ngân hàng; và thứ hai là ẩn số từ các công ty thành viên (bảo hiểm nhân thọ với mục tiêu bảo hiểm doanh thu 1.200 tỷ – sẽ là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên đạt được doanh thu cao như vậy ở năm thứ 2 hoạt động; công ty tài chính lợi nhuận hơn 300 tỷ; công ty chứng khoán đang đứng thứ 5 về thị phần trên thị trường; các công ty khác cũng có phong độ tốt…).
Đề cập đến việc vì sao mục tiêu lợi nhuận không có sự đột biến như các ngân hàng khác để chứng tỏ MB đang muốn bứt phá và giành lại vị thế từ các đối thủ cạnh tranh, lãnh đạo ngân hàng cho biết lợi nhuận vẫn phụ thuộc phần lớn vào tín dụng mà tăng trưởng tín dụng không có đột biến (do NHNN hạn chế) thì không thể nào có mức lãi đột biến được.
Ngoài ra một kế hoạch nữa cho năm 2018 là ngân hàng sẽ đề xuất với cổ đông, ngoài trả cổ tức như thường lệ, thì sẽ có phương án khác để tăng vốn điều lệ. Ngân hàng ưu tiên sử dụng các quỹ để tăng vốn và cũng ưu tiên với các cổ đông hiện hữu.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ