Bầu Hiển tham vọng xây Metro 1,4 tỷ Euro, dự kiến từ 2025 tàu điện bắt đầu lăn bánh
Theo kế hoạch triển khai xây dựng dự án tuyến đường sắt trên cao (Metro) do tập đoàn T&T và tập đoàn Bouygues (Pháp) đang đề xuất đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 trước năm 2024.
Theo quy hoạch giao thông Hà Nội, dự án tuyến Metro số 3 được triển khai theo 3 đoạn. Đoạn 1 từ Nhổn đến Ga Hà Nội khởi công từ năm 2010, hiện đang trong quá trình xây dựng, gồm đoạn đi trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy và đi ngầm từ hồ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội. Sau hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án này lên tới 36.000 tỷ đồng.
Đoạn thứ 2 nối từ gà Hà Nội tới Hoàng Mai có chiều dài 8km, gồm 7 ga, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Điểm đầu của dự án này là Quảng trường 1/5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở phố Tam Trinh tại nút giao với cầu cạn Pháp Vân.
Đoạn 3 có tổng chiều dài 31,1km có điểm đầu tư Nhổn đến thị xã Sơn Tây. Đây chính là dự án mà tập đoàn T&T Group của bầu Hiển và tập đoàn Bouygues (Pháp) mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, với tổng giá trị đầu tư ước tính 1,4 tỷ Euro.
Có thể nói đây là một trong những dự án hạ tầng rất quan trọng của Thủ đô, kết nối toàn bộ khu vực phía Tây gồm các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Đàn Phượng, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây với trung tâm Hà Nội.
Điểm đầu của dự án tại Nhổn khớp nối với đoạn 1 (hiện đang xây dựng) và điểm cuối nằm ở phía Nam cầu Vĩnh Thịnh (Sơn Tây), toàn tuyến chạy theo Quốc lộ 32 từ Nhổn – Trôi – Phùng – Sơn Tây.
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch T&T Group chia sẻ ” T&T đã tham gia nghiên cứu và có đề xuất với TP Hà Nội được đầu tư vào các dự án Metro vào khoảng tháng 8 năm ngoái. Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với lãnh đạo TP cùng nhiều doanh nghiệp khác cùng đăng ký, nhằm lọc ra những tập đoàn có đủ năng lực triển khai.”
Cũng theo ông Hiển thì đầu tháng 2, Hà Nội đã có tờ trình Chính phủ báo cáo về dự án. T&T đã trải qua nhiều kỳ sát hạch, đồng thời Hà Nội cũng đã sàng lọc rất kỹ các DN phải có đủ năng lực, tài chính, kinh nghiệm, công nghệ vận hành…mới có được lựa chọn.
Gần cuối tháng 2, Chính phủ đồng ý cho hai doanh nghiệp, trong đó có T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) 3 trong số các đoạn tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Mới đây, vào cuối tháng 3 thì bầu Hiển đã bắt tay với tập đoàn xây dựng hàng đầu của Pháp cùng hợp tác triển khai dự án này. Tuy nhiên, theo ông Hiển thì đây mới chỉ là bước đầu chuẩn bị cho dự án.
Bởi đây là dự án có quy mô lớn, có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ nên phải báo cáo Quốc hội thông qua. Dự kiến sẽ trình Quốc hội ngay trong kỳ họp vào tháng 6 tới đây.
Theo T&T, dự án Metro này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát kinh tế của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng, phù hợp với quy hoạch giao thông Hà Nôi. Khi hoàn thành tuyến đường, ách tắc giao thông sẽ giảm, qua đó sẽ phát triển đô thị.
Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công ty PPP, hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Theo đó, Thành phố Hà Nội đầu tư thiết bị như mua tàu, toa xe… và quản lý vận hành, khai thác kinh doanh. Nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ga, đường ray, công trình nổi, ngầm…
Cũng theo thông tin từ tập đoàn này, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được xây dựng từ Nhổn – Trôi – Phùng (vành đai 4), với tổng chiều dài 6,1 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2024 và bắt đầu vận hành khai thác vào năm 2025.
Giai đoạn 2: Xây dựng tuyến đường Phùng (Vành đai 4) – Sơn Tây, với tổng chiều dài 24,95 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2040 và bắt đầu vận hành khai thác kể từ năm 2040.
Thông tin thêm về dự án, ông Đỗ Quang Hiển cho biết ” thành phố đã giao cho tập đoàn T&T Group lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tập đoàn cũng đã tiến hành lập báo cáo nghiên cứu này toàn bộ tuyến đường, hiện đang trình các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội. Sau khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Thành Phố Hà Nội sẽ trình Chính Phủ và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Trí thức trẻ