Bất chấp “bóng đen” Covid – 19, startup chăm sóc sức khỏe và giao nhận vẫn hút vốn đầu tư
Trong khi hầu hết các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid – 19 thì các startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giao nhận hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á lại được các nhà đầu tư để mắt tới; qua đó phần nào cho thấy các nhà đầu tư luôn quan tâm tìm kiếm cơ hội trong khu vực, bất chấp “bóng đen” Covid – 19 bao trùm lên nền kinh tế.
“Sống khỏe” trong đại dịch có thể kể đến Doctor Anywhere – Starup cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng di động có trụ sở tại Singapore. Doanh nghiệp này đã huy động được 27 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư gồm: Square Peg – Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Úc, EDBI – cánh tay phải về lĩnh vực đầu tư doanh nghiệp của Hội đồng Phát triển Kinh tế thuộc Chính phủ Singapore và IHH – Công ty vận hành bệnh viện lớn nhất châu Á
Ứng dụng Doctor Anywhere cho phép hơn 1 triệu người dùng kết nối trực tuyến với đội ngũ bác sĩ uy tín trên khắp đất nước Singapore để tư vấn sức khoẻ thông qua hội thoại video với giá 20 đô la Singapore (14 USD) cho mỗi lần tư vấn và thuốc sẽ được chuyển đến tận tay người dùng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Khoảng 1.300 bác sĩ đa khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam đăng ký hoạt động trên nền tảng này. Riêng tại Việt Nam, Doctor Anywhere đã và đang hoạt động mạnh mẽ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM với đội ngũ hơn 100 bác sĩ đến từ các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi TW.
Bối cảnh đại dịch Covid – 19 lan rộng và ngày càng diễn biến ngày càng phức tạp, nền tảng telehealth (phân phối các dịch vụ và thông tin liên quan đến sức khỏe thông qua các công nghệ thông tin – viễn thông điện tử) ngày càng phát huy vai trò quan trọng. Ứng dụng này đã được triển khai rộng rãi tại các trạm kiểm soát hải quan, bến phà của Singapore nhằm giúp kiểm tra tại chỗ sức khỏe của hành khách có các triệu chứng của Covid-19 thông qua dịch vụ truyền hình.
Còn tại Đông Nam Á, trong hai đến ba năm qua, các ứng dụng telehealth luôn là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển xuất phát từ đặc thù của khu vực: khan hiếm bác sĩ; tầng lớp trung lưu đang phát triển; người dân ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề sức khỏe.
Cùng với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì lĩnh vực giao nhận hàng hóa cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ chỉ trong vòng vài tháng khi thu hút được một lượng vốn mới. Cụ thể trong quý I/2020, các startup liên quan đến lĩnh vực giao nhận đã huy động được nguồn lên tới 56 triệu USD, trong đó: Kargo Technologies – startup logistics của Indonesia đã huy động được 31 triệu USD; Ninja Van của Singapore huy động được 124 triệu USD; Dahmakan – startup giao hàng thực phẩm của Malaysia huy động được 18 triệu USD.
Cũng trong quý I/2020, khoảng 80% số vốn mới được huy động thuộc về Gojek (Singapore) và Grab – siêu ứng dụng cung cấp đa dịch vụ từ gọi xe di động, giao hàng thực phẩm đến thanh toán điện tử của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể Gojek huy động được 1,2 tỉ USD và Grab huy động được 850 triệu USD. Thông qua những con số ấn tượng cũng phần nào cho thấy 2 kỳ lân này sẽ tiếp tục là “nam châm” hút các nhà đầu tư bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Đại diện Gojek và Grab cho biết trong khi các dịch vụ gọi xe di động của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh thì lĩnh vực giao hàng thực phẩm lại tăng trưởng mạnh.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán trong quý II/2020 các hoạt động gọi vốn tổng thể có thể sẽ chậm lại do cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và startup bị hạn chế. Ông Martin Tang – đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore cho biết các tác động sẽ đến vào quý II/2020 với sự hạn chế toàn cầu về du lịch và các giao dịch ít có khả năng được tài trợ mà không có cuộc họp thực tế. “Hiện các nhà đầu tư đang săn lùng các khoản đầu tư có giá trị tốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực miễn nhiễm với Covid – 19 như: giao nhận hàng hóa, ứng dụng chăm sóc sức khỏe qua smartphone. Từ đây đến cuối năm 2020, cơ hội cho các startup phụ thuộc rất nhiều vào thời gian giãn cách xã hội của chính phủ các nước. Và ngay cả khi không hạn chế đi lại, các nhà đầu tư vẫn phải hết sức thận trọng bởi tốc độ đầu tư sẽ chậm lại” – ông Martin Tang nhận định.
Từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động gọi vốn ở khu vực Đông Nam Á đã chậm lại, xét trên phương diện tốc độ sáng tạo lẫn huy động vốn. Một phần nguyên nhân là do các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc định giá các startup đang phát triển nhanh sau vụ IPO thất bại của WeWork. Ngoài ra đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội cũng tác động mạnh đến hoạt động gọi vốn, thể hiện qua việc một số nhà đầu tư đã quyết định từ bỏ nguồn tài trợ mới đầy rủi ro; thay vào đó họ sẽ sử dụng số tiền này để hỗ trợ cho các công ty trong danh mục đầu tư hiện hữu. Theo cơ sở dữ liệu khởi nghiệp Crunchbase của Mỹ, trong quý I/2020, các startup Đông Nam Á huy động được 26,5 tỉ USD vốn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (29,3 tỉ USD).
Theo BizC.vn