Bán nhà thế chấp ngân hàng khi chưa trả hết nợ: Đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm?
Hoàng Quang H (SN 1975) là Giám đốc Công ty TNHH AC. Do cần tiền làm ăn, H vay của bà Nguyễn Thúy T 1 tỷ đồng (có viết giấy vay). Sau đó, do cần phát triển thêm mặt hàng nên H đã thế chấp nhà để vay của ngân hàng 1 tỷ đồng trong thời hạn 1 năm (trị giá nhà thực tế khoảng 4 tỷ đồng, ngân hàng định giá 3 tỷ 500 triệu đồng), ngân hàng đã giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của H.
Vì việc làm ăn không mấy thuận lợi nên H nghĩ đến việc có thể phải bán nhà. Do sẵn bản viết tay giấy tờ mua bán nhà đất giữa H và chủ cũ, H đã làm thêm 1 kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 bản vẽ xác định mốc giới nhà đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh cấp. Do đến hạn thanh toán tiền cho bà T mà không có tiền trả nên Hoàng Quang H đưa ra ý bán nhà với bà T để trừ nợ, bà T đồng ý mua. Hai bên đồng ý mua bán ngôi nhà với giá 3 tỷ 800 triệu đồng, H đã đưa bộ giấy tờ nhà mới làm thêm cho bà T, bà T đã trừ nợ và trả đủ tiền nhà cho H, hẹn sau 3 tháng Hoàng Quang H mới phải bàn giao nhà cho bà T. Sau đó ngân hàng biết Hoàng Quang H bán nhà cho bà T nên đã tố cáo H với cơ quan công an.
Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này là Hoàng Quang H có phạm tội không?
Ảnh minh họa
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Trong vụ việc này Hoàng Quang H đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 bởi nhà đất mà Hoàng Quang H bán cho bà Nguyễn Thúy T đã thế chấp là thuộc tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng giữa Hoàng Quang H và ngân hàng. Việc Hoàng Quang H bán nhà mà không thông báo cho ngân hàng biết và khi đã bán nhà, mặc dù có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng đã cố tình không trả là đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vi Thanh Hà (Cao Lộc – Lạng Sơn)
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nhà đất là tài sản dùng để đảm bảo khoản tiền vay của Hoàng Quang H đối với ngân hàng và ngân hàng có quyền phát mại trong trường hợp Hoàng Quang H không trả được khoản vay khi đến hạn. Hoàng Quang H chỉ có quyền bán nhà khi có thỏa thuận với ngân hàng và với mục đích bán là trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên Hoàng Quang H bằng thủ đoạn gian dối, đã làm thêm giấy tờ nhà đất để lừa bà Nguyễn Thúy T, mặt khác Hoàng Quang H lén lút bán nhà đang thuộc quyền quản lý của ngân hàng nên theo tôi cần phải truy tố, xét xử Hoàng Quang H về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nguyễn Văn Thành (TP Hải Dương – Hải Dương)
Không phạm tội
Có thể thấy trị giá căn nhà của Hoàng Quang H nhiều hơn hai khoản nợ vay của ngân hàng và của bà Nguyễn Thúy T. Hoàng Quang H cũng không làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mà chỉ là giấy tờ xác định mình có quyền sở hữu nhà đất như giấy tờ mua bán viết tay nhà đất, giấy tờ xác định mốc giới, những giấy tờ này chủ yếu để nhằm mục đích bán được nhà trừ nợ. Việc H chưa trả nợ ngân hàng là vì chưa đến hạn, H cũng không bỏ trốn. H bán nhà cũng chỉ với mục đích trả nợ của ngân hàng và trừ nợ bà T, do chưa đến kỳ hạn thanh toán tiền gốc cho ngân hàng nên H vẫn chưa trả hết nhưng tiền lãi H vẫn trả đủ cho ngân hàng. Vì vậy, theo tôi trong vụ việc này H không phạm tội.
Đinh Quốc Bình (Sơn Trà – Đà Nẵng)
Bình luận của luật sư
Theo nội dung của vụ việc, để có căn cứ khẳng định hành vi của Hoàng Quang H có phạm tội hay không và phạm tội gì thì cần phân tích hành vi của H trên cơ sở đối chiếu với mặt khách quan của tội phạm.
Trong cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở 2 điểm mấu chốt sau: Một là, hành vi gian dối được thể hiện, thực hiện sau khi chủ thể của tội phạm đã nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng… một cách ngay tình, hợp pháp; sau khi nhận được tài sản vì mục đích chiếm đoạt không trả, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, theo thỏa thuận thì chủ thể của tội phạm mới nảy sinh dùng thủ đoạn gian dối để không trả, không thực hiện thỏa thuận, không thực hiện hợp đồng. Tức là thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản. Hai là, việc dùng thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Còn trong cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì về mặt khách quan, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối.
Sự khác nhau căn bản giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính ở điểm “hành vi gian dối” được thực hiện trước hay sau khi nhận được tài sản, nhận được tiền… Nếu “hành vi gian dối” thực hiện trước là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; còn nếu thực hiện sau khi có tài sản thì là “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng cả 2 tội này dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Trở lại vụ án trên, mặc dù, Hoàng Quang H đã có hành vi gian dối sau khi vay được tiền của ngân hàng. Cụ thể, vì ngân hàng đã giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của H nên sẵn bản viết tay giấy tờ mua bán nhà đất giữa Hoàng Quang H và chủ cũ, Hoàng Quang H đã làm thêm 1 kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 bản vẽ xác định mốc giới nhà đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh cấp. Hành vi này rõ ràng là đã dùng thủ đoạn gian dối đối với ngân hàng và bà Nguyễn Thúy T.
Tuy nhiên, dấu hiệu có chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hay bà T hay không thì chưa thể khẳng định được. Mặc dù, hành vi gian dối là có nhưng chưa hẳn Hoàng Quang H dùng hành vi gian dối này như là một phương tiện, công cụ để chiếm đoạt được tài sản của bà T hay của ngân hàng. Bởi lẽ, thời hạn đáo hạn chưa đến tức là nghĩa vụ thanh toán của Hoàng Quang H với ngân hàng chưa xảy ra. Đến hạn thanh toán lãi suất ngân hàng Hoàng Quang H vẫn trả đầy đủ.
Như vậy, vấn đề ở đây là ngân hàng chưa có thiệt hại xảy ra và bà Nguyễn Thúy T cũng vậy. Ngoài ra, xét về mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, như trên đã phân tích thì mặc dù, có hành vi gian dối nhưng hậu quả ở đây là sự thiệt hại từ phía ngân hàng chưa xảy ra. Cụ thể là Hợp đồng vay vốn của Hoàng Quang H chưa đáo hạn, H chưa có nghĩa vụ thanh toán gốc vay mà mới chỉ thanh toán lãi suất theo hợp đồng.
Trong khi đó một vấn đề hết sức cơ bản đó là tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là tội có cấu thành vật chất, tức là giữa hành vi và hậu quả có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Hành vi gian dối đem đến hậu quả xảy ra là sự thiệt hại của chủ tài sản. Trong vụ án này, theo tôi chưa có thiệt hại xảy ra. Do đó khẳng định Hoàng Quang H phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo chúng tôi là chưa đủ cơ sở.
Căn cứ vào nội dung vụ việc, theo chúng tôi sai phạm của Hoàng Quang H là đã vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Đó là việc tự ý bán nhà khi chính ngôi nhà đó đang được thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc sai phạm này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ có thể là lỗi vi phạm hành chính và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)
An ninh thủ đô
[elementor-template id=”16904″]